Đặt trong bối cảnh các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại quyền lợi của người tiêu dùng ở Việt Nam có xu hướng diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội vào các nỗ lực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất là trong lĩnh vực bán lẻ.
Bên cạnh hoạt động của các cơ quan chức năng thuộc bộ máy nhà nước, thực tiễn cho thấy các doanh nghiệp giữ vai trò rất quan trọng trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Khoản 1, điều 4, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2014 đã quy định một trong những nguyên tắc của bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội”. Vì vậy, để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể thực hiện thành công thì cần sự tham gia tích cực, chủ động của các đối tượng có liên quan, trong đó có vai trò, trách nhiệm quan trọng của chính các tổ chức, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi là doanh nghiệp).
Để kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khoản 1, điều 5, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định chính sách của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là “Tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân chủ động tham gia vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Triển khai thường xuyên, đồng bộ các biện pháp quản lý, giám sát việc tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”. Chính vì vậy, việc xây dựng cơ chế, môi trường để thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là thực hiện tốt trách nhiệm đối với người tiêu dùng, với xã hội là trách nhiệm quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Cùng với đó, việc ghi nhận các doanh nghiệp làm tốt trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng; hướng dẫn, định hướng cho các doanh nghiệp làm chưa tốt có thể tự hoàn thiện mình theo các chuẩn mực phù hợp với quy định của pháp luật là hết sức cần thiết.
Vì những lí do đó, trong các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Nhà nước, bên cạnh việc xử lí nghiêm khắc và kịp thời những sai phạm của doanh nghiệp, một biện pháp quan trọng là Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, có những nỗ lực để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Từ kinh nghiệm quốc tế, nhiều quốc gia đã ban hành các Đề án, Chương trình hành động để khuyến khích các doanh nghiệp có nỗ lực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ví dụ như tại Hàn Quốc, Cơ quan Người tiêu dùng Hàn Quốc (KCA) đang vận hành Hệ thống chứng nhận Doanh nghiệp lấy người tiêu dùng làm trung tâm (Consumer Centered Management Certification System – gọi tắt là CCM). Các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn sẽ được phép in logo chữ CCM lên sản phẩm cho việc nhận diện chương trình. Từ khi ra đời (từ năm 2011) đến nay, CCM hoạt động rất hiệu quả vì đem lại lợi ích cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Hiện nay đã có gần 200 doanh nghiệp được cấp chứng nhận. Trên thực tế, doanh nghiệp được cấp chứng nhận CCM thường có doanh thu tăng so với thời gian trước, lãnh đạo công ty có nhận thức tốt hơn về người tiêu dùng, sản phẩm luôn được cải thiện theo quan điểm của người tiêu dùng, tăng thêm sức cạnh tranh trên thị trường. Về phía người tiêu dùng, hệ thống CCM giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng lựa chọn sản phẩm của những doanh nghiệp hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng. Cả hai lợi ích này càng thúc đẩy các doanh nghiệp tích cực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hơn, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững và hạn chế các chi phí, nguồn lực phát sinh để giải quyết khiếu nại người tiêu dùng.
Ở Việt Nam, các cơ quan chức năng, một số hiệp hội cũng đã tiến hành nhiều đề án, chương trình xúc tiến thương mại, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao chất lượng thương hiệu, chất lượng sản phẩm, ví dụ như Chương trình Thương hiệu Quốc gia (do Bộ Công thương chủ trì thực hiện) hay Chương trình Hàng Việt Nam Chất lượng cao (do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao khởi xướng), v.v… Thực tiễn thực hiện các chương trình này cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa giá trị thương hiệu, chất lượng sản phẩm, và việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Mặt khác, thành công của các kinh nghiệm trong quá khứ cũng cho thấy sự phù hợp và sự cần thiết của một Chương trình khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực hành động vì quyền lợi người tiêu dùng. Khi tham gia Chương trình khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực hành động vì quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp thể hiện các cam kết của mình về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thông qua đó cũng gián tiếp quảng bá, truyền thông cho doanh nghiệp, thương hiệu của mình.
Một Chương trình doanh nghiệp vì người tiêu dùng tại Việt Nam sẽ mang lại những tác động rất lớn đến người tiêu dùng, đến doanh nghiệp, và rộng ra là toàn bộ nền kinh tế, toàn xã hội:
Thứ nhất, Chương trình doanh nghiệp vì người tiêu dùng sẽ cung cấp những định hướng, và sự hỗ trợ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp trong việc xây dựng, thực hiện các chính sách, chiến lược kinh doanh, biện pháp quản lý trong sản xuất, kinh doanh luôn vì người tiêu dùng, tăng cường khả năng tự tuân thủ pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
Thứ hai, Chương trình doanh nghiệp vì người tiêu dùng là sự đánh giá, ghi nhận các doanh nghiệp thực hiện tốt bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách, từ đó khuyến khích, động viên các doanh nghiệp trên thị trường luôn cải tiến, hoàn thiện hoạt động kinh doanh của mình;
Thứ ba, Chương trình doanh nghiệp vì người tiêu dùng cũng giúp cho người tiêu dùng có công cụ, cơ sở, nguồn thông tin để tìm kiếm, xác thực các doanh nghiệp, sản phẩm tốt, luôn coi trọng quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt giúp người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn các doanh nghiệp tin cậy, uy tín với người tiêu dùng.
Một Đề án hoặc chương trình doanh nghiệp vì người tiêu dùng đáp ứng các yêu cầu này khi được thực hiện sẽ góp phần thúc đẩy, bảo vệ và phát triển các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, vì người dân, góp phần xây dựng lực lượng doanh nghiệp có tiềm lực cho nền kinh tế đất nước.
Trên cơ sở đó, ngày 18/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1997/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2016-2020. Trong đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm xây dựng nội dung cụ thể của Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng (sau đây gọi tắt là Chương trình); ban hành các tiêu chí đánh giá, chứng nhận và cấp chứng nhận cho các doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện, tiêu chí của Chương trình; xây dựng và vận hành cơ chế giám sát việc thực hiện của các doanh nghiệp đã được cấp chứng nhận; xây dựng và vận hành hệ thống thông tin để người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân có liên quan có thể truy cập tìm kiếm và xác minh các doanh nghiệp được cấp chứng nhận.
Trên cơ sở Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng, Bộ Công thương, mà cụ thể là Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã chủ trì xây dựng và ban hành các Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong từng lĩnh vực cụ thể, như bán hàng trực tiếp hay bán lẻ.
Ngành bán lẻ là lĩnh vực tiếp xúc trực tiếp với đông đảo người tiêu dùng, khâu bán lẻ là khâu dễ phát sinh những vi phạm pháp luật, xâm hại quyền lợi của người tiêu dùng. Vì vậy, việc ban hành các tiêu chí đánh giá, chứng nhận, và cấp chứng nhận đối với doanh nghiệp bán lẻ vì người tiêu dùng là một cách thức quan trọng để khuyến khích các nỗ lực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của doanh nghiệp bán lẻ.
Bên cạnh những tiêu chí chung cho mọi doanh nghiệp khác, Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực bán lẻ phải phản ánh những đặc trưng của ngành bán lẻ, và tương thích được với những xu hướng phát triển trong tương lai của lĩnh vực đầy tiềm năng này tại Việt Nam./.