Hiện nay, “Bộ quy tắc ứng xử” (Code of Conduct) là một trong những chủ đề được doanh nghiệp quan tâm, chú trọng trong quá trình phát triển, kinh doanh. Các doanh nghiệp toàn cầu (như Google, Facebook) hay doanh nghiệp lớn tại Việt Nam (Vinamilk, Petrolimex) đều ban hành Bộ quy tắc ứng xử của doanh nghiệp.
Trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người tiêu dùng đóng vai trò cốt lõi, quyết định sự tồn tại và thành công của doanh nghiệp. Do vậy, bộ quy tắc ứng xử với người tiêu dùng cũng là một trong những nội dung là phần lớn các doanh nghiệp không thể bỏ qua khi xây dựng bộ quy tắc của doanh nghiệp.
QUY TẮC ỨNG XỬ VỚI NGƯỜI TIÊU DÙNG LÀ GÌ ?
Bộ quy tắc ứng xử là tập hợp các quy tắc, nguyên tắc áp dụng cho lãnh đạo, nhân viên, phòng ban thuộc doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp kiểm soát các mối quan hệ của doanh nghiệp, giúp theo đuổi các giá trị, kỳ vọng mà doanh nghiệp đã đề ra.
Cũng nằm trong khuôn khổ định nghĩa nêu trên, bộ quy tắc ứng xử của doanh nghiệp với người tiêu dùng là công cụ giúp doanh nghiệp điều chỉnh mối quan hệ doanh nghiệp với người tiêu dùng. Bộ quy tắc ứng xử này cũng tập hợp các quy tắc áp dụng với nhân viên, phòng ban thuộc doanh nghiệp khi giao dịch, ứng xử với người tiêu dùng.
QUY TẮC ỨNG XỬ VỚI NGƯỜI TIÊU DÙNG BAO GỒM NỘI DUNG GÌ?
Bộ quy tắc ứng xử có nội dung khác nhau tùy theo tính chất, quy mô và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, về cơ bản, bộ quy tắc này đều bao gồm những nội dung cơ bản như sau:
- Thông điệp của doanh nghiệp chuyển tải tới người tiêu dùng;
- Các giá trị cốt lõi, tầm nhìn và sứ mệnh/định hướng chiến lược;
- Giá trị và nguyên tắc kinh doanh của doanh nghiệp;
- Quy tắc khi giao dịch với người tiêu dùng, bao gồm hành vi được thực hiện và hành vi không được phép;
- Giải pháp xử lý vấn đề phát sinh trong mối quan hệ với khách hàng cũng như người tiêu dùng;
- Các hình thức khen thưởng khi tuân thủ quy tắc và hình thức kỷ luật khi vi phạm.
QUY TẮC ỨNG XỬ VỚI NGƯỜI TIÊU DÙNG MANG LẠI LỢI ÍCH GÌ CHO DOANH NGHIỆP
Bộ quy tắc ứng xử của doanh nghiệp với người tiêu dùng tác động tích cực một cách toàn diện tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo góc độ nội bộ doanh nghiệp, bộ quy tắc ứng được xem như công cụ để lãnh đạo truyền tải nhiệm vụ mà doanh nghiệp giao cho nhân viên cũng như các bộ phận của doanh nghiệp, từ đó định hướng hành xử nội bộ doanh nghiệp theo quy tắc đã thiết lập.
Theo góc độ ngoài doanh nghiệp, bộ quy tắc là kênh truyền tải thông điệp và chính sách của doanh nghiệp tới người tiêu dùng. Thông qua bộ quy tắc, doanh nghiệp nâng cao tính minh bạch, rõ ràng trong việc cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch tới người tiêu dùng, từ đó nâng cao niềm tin và lòng trung thành của người tiêu dùng dành cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, bộ quy tắc ứng xử còn được xem là công cụ kiểm soát rủi ro pháp lý trong kinh doanh của doanh nghiệp. Với tập hợp quy tắc đã thiết lập (bao gồm các quy tắc hành vi cấm, hành vi được làm), doanh nghiệp có thể giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, thông qua các quy định liên quan đến xử lý vấn đề phát sinh, doanh nghiệp có thể kịp thời phát hiện các vấn đề trong kinh doanh, từ đó điều chỉnh hoạt động kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường cũng như quy định pháp luật, từ đó làm thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng.
Với lợi ích như trên, bộ quy tắc ứng xử của doanh nghiệp với người tiêu dùng là công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp trong cộng đồng.