Các tiêu chí đánh giá trách nhiệm của doanh nghiệp bán lẻ trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng

Trong thời đại công nghệ số, thông tin cá nhân (bao gồm cả những dữ liệu riêng tư) đang là một loại hàng hóa có giá trị kinh tế. Đã tồn tại một “thị trường” trao đổi những thông tin cá nhân người sử dụng như vậy. Đặc biệt, trên “thị trường” đó, những thông tin càng riêng tư sẽ lại càng có giá trị, vì thông tin đó phản ánh rõ nét và thực chất nhất cá nhân người sử dụng, phân tích những thông tin riêng tư sẽ cho phép đưa ra kết luận sát với thực tế. Điều đó khiến cho những dữ liệu riêng tư của cá nhân trở thành “mặt hàng” có giá trị và được săn lùng chủ yếu bởi các nhà cung cấp dịch vụ trên internet dưới những vỏ bọc “miễn phí”.

Ở mức sơ khai nhất, việc mua bán thông tin cá nhân đã được ứng dụng vào quảng cáo, đã có những công ty chuyên thu thập và mua bán những dữ liệu về địa chỉ, số điện thoại, email … của các nhóm khách hàng nhằm phục vụ cho quảng cáo. Chẳng hạn, những người sử dụng dịch vụ đặt vé máy bay trực tuyến có thể bị bán dữ liệu thông tin cá nhân cho các hãng xe taxi phục vụ tại sân bay, và sẽ nhận được những tin nhắn quảng cáo dịch vụ vào máy điện thoại di động của mình.

Ở mức cao hơn, với sự trợ giúp của khoa học dữ liệu, thông tin về mỗi cá nhân sẽ được phân tích để chỉ ra xu hướng hành vi mua sắm, tiêu dùng … của cá nhân đó, từ đó ứng dụng vào thương mại. Ví dụ: Những người thường xuyên đặt mua các báo, tạp chí về bất động sản, thường xuyên tìm kiếm trên công cụ tìm kiếm (search engine) về mua căn hộ chung cư tại Hà Nội sẽ bị bán dữ liệu cho các công ty bất động sản để nhận được quảng cáo về các dự án chung cư sắp được mở bán tại Hà Nội. Rõ ràng, việc quảng cáo, chào mời “hướng đối tượng” như vậy sẽ có hiệu quả cao hơn những cách thức truyền thống như quảng cáo trên truyền hình, báo chí hay phát tờ rơi, tờ bướm ở những nơi đông người, v.v… Bản thân các tập đoàn bất động sản cũng sẽ dựa trên những số liệu thu được để tối ưu hóa các sản phẩm của mình, như thiết kế diện tích nhà sao cho phù hợp với mong muốn của đa số người mua, bố trí nội thất để vừa túi tiền khách hàng, v.v …

Có thể khẳng định rằng: Trong thời đại công nghệ số, những thông tin riêng tư cá nhân đang trở thành một mặt hàng có giá trị kinh tế, và do đó đã và đang tạo ra động lực rất lớn cho những chủ thể khác trong việc thu thập và mua bán những dữ liệu như vậy. Đó là một thách thức to lớn cho pháp luật trong bảo vệ quyền riêng tư, nhất là trong bối cảnh nhận thức của người dân còn thấp như ở Việt Nam.

Đặt trong bối cảnh đó, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng là rất quan trọng, nhất là trong hoạt động bán lẻ – một khâu dễ bộc lộ và thất thoát thông tin dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng.

Điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã có qui định:  “Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu”.

Đối với các doanh nghiệp bán lẻ, phải tuân thủ các trách nhiệm tại khoản 2, điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, bao gồm:

– Thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với người tiêu dùng về mục đích hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng;

– Sử dụng thông tin phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng và phải được người tiêu dùng đồng ý;

– Bảo đảm an toàn, chính xác, đầy đủ khi thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng;

– Tự mình hoặc có biện pháp để người tiêu dùng cập nhật, điều chỉnh thông tin khi phát hiện thấy thông tin đó không chính xác;

– Chỉ được chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Hiện nay, các qui định này đang tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có trách nhiệm thông báo khi thu thập thông tin cá nhân của người tiêu dùng, ngoài ra phải xây dựng và thực hiện chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng, v.v… Có thể thấy, đây là vấn đề đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế số, thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp bán lẻ phải có nhận thức và trách nhiệm trong bảo vệ thông tin dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng.

Tiêu chí về bảo vệ dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng nhằm đánh giá nỗ lực của doanh nghiệp trong bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng. Cụ thể: Doanh nghiệp bán lẻ nếu có thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng phải ban hành Chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng.

Nội dung Chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng phải bao hàm các nội dung sau:

– Mục đích thu thập thông tin;

– Phạm vi sử dụng thông tin;

– Thời gian lưu trữ thông tin;

– Những người hoặc tổ chức có thể được tiếp cận với thông tin đó;

– Địa chỉ của đơn vị thu thập và quản lý thông tin, bao gồm cách thức liên lạc để người tiêu dùng có thể liên hệ tìm hiểu về hoạt động thu thập, xử lý thông tin liên quan đến cá nhân mình;

– Phương thức và công cụ để người tiêu dùng tiếp cận và chỉnh sửa dữ liệu cá nhân của mình.

Chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng phải được thông tin rõ ràng và tạo điều kiện để người tiêu dùng lựa chọn trước hoặc tại thời điểm thu thập thông tin./.