Tiêu chí về thực hiện cung cấp thông tin cho người tiêu dùng: 50 điểm;
Cung cấp thông tin cho người tiêu dùng là một trách nhiệm quan trọng của doanh nghiệp nói chung, nhất là doanh nghiệp bán lẻ. Thông thường, do không phải là bên tự sản xuất các hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng, nên nhà bán lẻ phải tuân thủ qui định tại khoản 1, điều 13 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, cụ thể là:
– Bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ được cung cấp;
– Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp chứng cứ chứng minh tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ;
– Chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ;
– Tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, pháp luật về quảng cáo.
Tiêu chí này đánh giá về việc thực hiện cung cấp thông tin cho người tiêu dùng. Doanh nghiệp phải có Kế hoạch trong cung cấp thông tin cho người tiêu dùng. Kế hoạch phải được giải thích rõ ràng về các quan điểm, phương án triển khai, cách thức triển khai các hoạt động cung cấp thông tin (quảng cáo, tiếp thị, giới thiệu doanh nghiệp, sản phẩm, hướng dẫn sử dụng, v.v…) cho người tiêu dùng về sản phẩm, dịch vụ mà bản thân doanh nghiệp và các bên có liên quan cung cấp.
Đồng thời, doanh nghiệp phải giải trình được thông qua minh chứng thực tế về việc áp dụng nội dung của Kế hoạch này vào hoạt động của doanh nghiệp.
Tiêu chí về thực hiện cung cấp bằng chứng giao dịch cho người tiêu dùng: 50 điểm;
Theo qui định tại điều 20 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010: Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dùng hóa đơn hoặc chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của người tiêu dùng.
Trường hợp giao dịch bằng phương tiện điện tử thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm tạo điều kiện cho người tiêu dùng truy nhập, tải, lưu giữ và in hóa đơn, chứng từ, tài liệu quy định ở trên.
Bằng chứng giao dịch là cơ sở rất quan trọng để người tiêu dùng thực hiện khiếu nại hay các biện pháp khác để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Đối với hoạt động bán lẻ, bằng chứng giao dịch là rất quan trọng đối với hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Doanh nghiệp bán lẻ cần đặc biệt tuân thủ nghĩa vụ cung cấp bằng chứng giao dịch,.
Tiêu chí này đánh giá về việc thực hiện cung cấp bằng chứng giao dịch cho người tiêu dùng. Doanh nghiệp phải có Kế hoạch cung cấp bằng chứng giao dịch cho người tiêu dùng. Kế hoạch phải được giải thích rõ ràng về các quan điểm, phương án triển khai, cách thức triển khai các hoạt động cung cấp bằng chứng giao dịch (hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, giấy bảo hành, v.v…), cho người tiêu dùng về sản phẩm, dịch vụ mà bản thân doanh nghiệp và các bên có liên quan cung cấp.
Đồng thời, doanh nghiệp phải giải trình được thông qua minh chứng thực tế về việc áp dụng nội dung của Kế hoạch này vào hoạt động của doanh nghiệp./.