Các tiêu chí đánh giá việc thực hiện trách nhiệm xã hội hướng tới tiêu dùng lành mạnh và bền vững của doanh nghiệp bán lẻ

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR – Corporate social responsibility) không phải là một trách nhiệm mang tính luật định, mà là trách nhiệm mang tính tự nguyện của doanh nghiệp đối với xã hội nói chung, người tiêu dùng nói riêng, trong việc theo đuổi các xu hướng và mục tiêu tiêu dùng lành mạnh, tiêu dùng bền vững.

Tiêu dùng bền vững là một xu hướng tiêu dùng mới, đang ngày càng phổ biến trong một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng. Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (United Nations Environment Program – UNEP) nhận định: Tiêu dùng bền vững chính là chìa khóa cho công cuộc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội.

Theo nghiên cứu của UNEP: Nhu cầu của con người đang ngày càng gia tăng, và theo nhận định từ, nhu cầu của con người đang vượt quá sức cung của thị trường. Trong vòng 9 tháng, thế giới tiêu thụ nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên hơn trái đất có thể sản xuất trong 01 năm, và tỷ lệ này sẽ còn tăng trong tương lai. Thêm vào đó, các chuyên gia ước tính trước năm 2050 sẽ có thêm khoảng 2 – 3 tỷ người tiêu dùng trung lưu, làm tăng thêm gánh nặng cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên của trái đất. Mặc dù vậy, vẫn có 1,2 tỷ người có mức sống chỉ 1,25$/ngày (tương đương 28.000 đồng/ngày) và 1,5 tỷ ngưởi nghèo đa chiều (UNEP)[1].

Có thể thấy con người đang phải đối mặt với một mâu thuẫn lớn: nhu cầu tiêu dùng thì càng tăng trong khi các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt. Điều này gây ra rất nhiều bất ổn như: khoảng cách giàu – nghèo ngày càng lớn; chất lượng môi trường đi xuống đồng nghĩa với chất lượng sống suy giảm; diễn biến của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp gây ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân,… UNEP cho rằng trong bối cảnh đó, phương án tối ưu nhất để giải quyết những bất ổn này là tiêu dùng bền vững. Tiêu dùng bền vững được hiểu là việc sử dụng các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng các nhu cầu thiết yếu giúp nâng cao chất lượng cuộc sống trong khi giảm thiểu tối đa việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu độc hại; đồng thời hạn chế phát thải các chất ô nhiễm trong suốt vòng đời của sản phẩm với mục tiêu không gây nguy hại cho các thế hệ tương lai. Như vậy, tiêu dùng bền vững không chỉ là hoạt động “mua” mà còn là phong cách sống của người tiêu dùng, và người tiêu dùng là một định nghĩa rộng bao gồm cả chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng cuối cùng (tức cá nhân và hộ gia đình).

Đặt trong bối cảnh đó, có thể thấy tiêu dùng bền vững chính là chìa khóa cho công cuộc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội.

Các nhà hoạch định chính sách trên thế giới đã đưa ra rất nhiều công cụ pháp lý để phát triển tiêu dùng bền vững như: (i) các quy định như tiêu chuẩn, quy chuẩn, lệnh cấm; (ii) các hình thức khuyến khích kinh tế như thuế, trợ giá; (iii) các hình thức tuyên truyền như nhãn môi trường, chiến dịch marketing, v.v… Những hình thức này đã đem lại một số thành công nhất định, tuy nhiên, thực tế cũng ghi nhận một số chính sách không hiệu quả (như việc tăng giá năng lượng nhằm giảm cầu).

Trong khi đó, UNEP đã ghi nhận, yếu tố thiết yếu và cốt lõi để đạt được tiêu dùng bền vững lại thuộc về chính người tiêu dùng, đó là hành vi cũng như phong cách sống của họ. UNEP cho biết, một hành vi đơn lẻ của một người tiêu dùng có thể nhỏ bé, nhưng hàng triệu hành vi nhỏ của tất cả người dân trên thế giới lại có ảnh hưởng vô cùng lớn tới môi trường. Từ việc chọn mua thực phẩm, sử dụng điều hòa, sử dụng điện, nước cho đến lựa chọn phương tiện giao thông,… tất cả đều tác động đến môi trường sống của người tiêu dùng. Hiểu được điều đó sẽ cho ta thấy, việc điều chỉnh hành vi người tiêu dùng sẽ là yếu tố cốt lõi của tiêu dùng bền vững.

Để đạt được tiêu dùng bền vững thông qua thay đổi hành vi người tiêu dùng, UNEP đã nghiên cứu và thống kê một số rào cản liên quan đến hành vi người tiêu dùng như sau:

– Phần lớn lựa chọn tiêu dùng là thói quen của người tiêu dùng (Ví dụ: rất nhiều người biết việc ăn quá nhiều/uống rượu quá nhiều/không hoạt động thể chất gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, nhưng 65% tỷ lệ người chết trên thế giới là do những bệnh gây ra bởi những thói quen trên, bao gồm ung thư, bệnh tim mạch, tiểu đường và các bệnh hô hấp)

– Hệ quả của tiêu dùng thường khó nhận ra (Ví dụ: khi sử dụng hoang phí điện, nước trong hộ gia đình thì không bị tính phí ngay mà phải đến khi có hóa đơn – thường là tháng sau. Điều này dẫn tới việc sử dụng điện, nước quá mức cần thiết trong gia đình)

– Người tiêu dùng không quan tâm đến việc tham gia xây dựng môi trường tiêu dùng bền vững, cho rằng hành vi của mình không liên quan trực tiếp đến tiêu dùng bền vững (Ví dụ: người tiêu dùng hiểu rõ về biến đổi khí hậu nhưng không nghĩ rằng hành vi hàng ngày của mình rất quan trọng đối với biến đổi khí hậu/mình không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến đổi khí hậu)

– Hành vi của người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi số đông (Ví dụ: khi được phát tờ rơi trên đường, nếu có người vứt ngay xuống đường thì những người khác sẽ có xu hướng làm theo thay vì bỏ vào thùng rác)

– Các hành vi tiêu dùng bền vững thường khó duy trì (Ví dụ: người tiêu dùng được vận động dùng túi giấy hoặc túi tái chế thay cho túi ni-lông, nhưng có khả năng cao sẽ quay trở lại dùng túi ni-lông vì một số lý do như sở thích, tiện lợi,…)

UNEP cho biết, xác định và khắc phục được những rào cản này đồng nghĩa với con đường đến với tiêu dùng bền vững sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Điều đó có nghĩa, tiêu dùng bền vững không phải là một đích đến quá xa vời, phải thực hiện qua luật pháp, lệnh cấm, thuế,… – những biện pháp tiêu tốn rất nhiều nguồn lực. Một môi trường sống tốt, ít ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo an sinh xã hội được hình thành dựa trên các hành vi tiêu dùng nhỏ của mọi đối tượng tiêu dùng trên thế giới.

Đặt trong bối cảnh đó, doanh nghiệp bán lẻ cần có những nỗ lực để khuyến khích, cổ vũ, giúp đỡ những xu hướng tiêu dùng bền vững, tiêu dùng xanh, tiêu dùng lành mạnh, v.v… Trong bản thân hoạt động của doanh nghiệp bán lẻ phải chú trọng đến tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, bảo vệ và tạo điều kiện cho sự phát triển của người lao động. Trong kinh doanh bán lẻ, doanh nghiệp cần có các chính sách khuyến khích tiêu dùng bền vững, như giảm giá, khuyến mại các sản phẩm thân thiện với môi trường và tiết kiệm nhiên liệu, không sử dụng hoặc hạn chế sử dụng túi ni-lông, hộp nhựa, cốc, chén, bát, đũa, thìa, dụng cụ ăn uống dùng một lần, v.v…

Tiêu chí về thực hiện trách nhiệm xã hội hướng tới tiêu dùng lành mạnh và bền vững nhằm đánh giá những nỗ lực của doanh nghiệp bán lẻ trong khuyến khích tiêu dùng bền vững. Cụ thể:

Doanh nghiệp phải có Kế hoạch khuyến khích tiêu dùng lành mạnh và bền vững. Kế hoạch phải được giải thích rõ ràng về các quan điểm, phương án triển khai, cách thức triển khai các hoạt động khuyến khích tiêu dùng lành mạnh và bền vững trong hoạt động bán lẻ của doanh nghiệp.

Đồng thời, doanh nghiệp phải giải trình được thông qua minh chứng thực tế về việc áp dụng nội dung của Kế hoạch này vào hoạt động của doanh nghiệp./.

Trong thời đại công nghệ số, thông tin cá nhân (bao gồm cả những dữ liệu riêng tư) đang là một loại hàng hóa có giá trị kinh tế. Đã tồn tại một “thị trường” trao đổi những thông tin cá nhân người sử dụng như vậy. Đặc biệt, trên “thị trường” đó, những thông tin càng riêng tư sẽ lại càng có giá trị, vì thông tin đó phản ánh rõ nét và thực chất nhất cá nhân người sử dụng, phân tích những thông tin riêng tư sẽ cho phép đưa ra kết luận sát với thực tế. Điều đó khiến cho những dữ liệu riêng tư của cá nhân trở thành “mặt hàng” có giá trị và được săn lùng chủ yếu bởi các nhà cung cấp dịch vụ trên internet dưới những vỏ bọc “miễn phí”.

Ở mức sơ khai nhất, việc mua bán thông tin cá nhân đã được ứng dụng vào quảng cáo, đã có những công ty chuyên thu thập và mua bán những dữ liệu về địa chỉ, số điện thoại, email … của các nhóm khách hàng nhằm phục vụ cho quảng cáo. Chẳng hạn, những người sử dụng dịch vụ đặt vé máy bay trực tuyến có thể bị bán dữ liệu thông tin cá nhân cho các hãng xe taxi phục vụ tại sân bay, và sẽ nhận được những tin nhắn quảng cáo dịch vụ vào máy điện thoại di động của mình.

Ở mức cao hơn, với sự trợ giúp của khoa học dữ liệu, thông tin về mỗi cá nhân sẽ được phân tích để chỉ ra xu hướng hành vi mua sắm, tiêu dùng … của cá nhân đó, từ đó ứng dụng vào thương mại. Ví dụ: Những người thường xuyên đặt mua các báo, tạp chí về bất động sản, thường xuyên tìm kiếm trên công cụ tìm kiếm (search engine) về mua căn hộ chung cư tại Hà Nội sẽ bị bán dữ liệu cho các công ty bất động sản để nhận được quảng cáo về các dự án chung cư sắp được mở bán tại Hà Nội. Rõ ràng, việc quảng cáo, chào mời “hướng đối tượng” như vậy sẽ có hiệu quả cao hơn những cách thức truyền thống như quảng cáo trên truyền hình, báo chí hay phát tờ rơi, tờ bướm ở những nơi đông người, v.v… Bản thân các tập đoàn bất động sản cũng sẽ dựa trên những số liệu thu được để tối ưu hóa các sản phẩm của mình, như thiết kế diện tích nhà sao cho phù hợp với mong muốn của đa số người mua, bố trí nội thất để vừa túi tiền khách hàng, v.v …

Có thể khẳng định rằng: Trong thời đại công nghệ số, những thông tin riêng tư cá nhân đang trở thành một mặt hàng có giá trị kinh tế, và do đó đã và đang tạo ra động lực rất lớn cho những chủ thể khác trong việc thu thập và mua bán những dữ liệu như vậy. Đó là một thách thức to lớn cho pháp luật trong bảo vệ quyền riêng tư, nhất là trong bối cảnh nhận thức của người dân còn thấp như ở Việt Nam.

Đặt trong bối cảnh đó, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng là rất quan trọng, nhất là trong hoạt động bán lẻ – một khâu dễ bộc lộ và thất thoát thông tin dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng.

Điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã có qui định:  “Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu”.

Đối với các doanh nghiệp bán lẻ, phải tuân thủ các trách nhiệm tại khoản 2, điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, bao gồm:

– Thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với người tiêu dùng về mục đích hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng;

– Sử dụng thông tin phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng và phải được người tiêu dùng đồng ý;

– Bảo đảm an toàn, chính xác, đầy đủ khi thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng;

– Tự mình hoặc có biện pháp để người tiêu dùng cập nhật, điều chỉnh thông tin khi phát hiện thấy thông tin đó không chính xác;

– Chỉ được chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Hiện nay, các qui định này đang tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có trách nhiệm thông báo khi thu thập thông tin cá nhân của người tiêu dùng, ngoài ra phải xây dựng và thực hiện chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng, v.v… Có thể thấy, đây là vấn đề đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế số, thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp bán lẻ phải có nhận thức và trách nhiệm trong bảo vệ thông tin dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng.

Tiêu chí về bảo vệ dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng nhằm đánh giá nỗ lực của doanh nghiệp trong bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng. Cụ thể: Doanh nghiệp bán lẻ nếu có thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng phải ban hành Chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng.

Nội dung Chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng phải bao hàm các nội dung sau:

– Mục đích thu thập thông tin;

– Phạm vi sử dụng thông tin;

– Thời gian lưu trữ thông tin;

– Những người hoặc tổ chức có thể được tiếp cận với thông tin đó;

– Địa chỉ của đơn vị thu thập và quản lý thông tin, bao gồm cách thức liên lạc để người tiêu dùng có thể liên hệ tìm hiểu về hoạt động thu thập, xử lý thông tin liên quan đến cá nhân mình;

– Phương thức và công cụ để người tiêu dùng tiếp cận và chỉnh sửa dữ liệu cá nhân của mình.

Chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng phải được thông tin rõ ràng và tạo điều kiện để người tiêu dùng lựa chọn trước hoặc tại thời điểm thu thập thông tin./.


[1] Văn phòng Sản xuất và tiêu dùng bền vững, Bộ Công thương, Tiêu dùng bền vững: Hành vi của người tiêu dùng là yếu tố quyết định, https://scp.gov.vn/tin-tuc/t10163/tieu-dung-ben-vung-hanh-vi-cua-nguoi-tieu-dung-la-yeu-to-quyet-dinh.html, truy cập ngày 02/05/2022