Chất lượng sản phẩm – giá trị cốt lõi làm nên thương hiệu doanh nghiệp bán hàng trực tiếp

Kinh doanh đa cấp là một ngành nghề đã được các nước trên thế giới và Việt Nam thông qua và cho phép đi vào hoạt động chính thức. Bản chất của bán hàng đa cấp không hề xấu bởi đây chỉ là một cách bán hàng trực tiếp khác với các mô hình kinh doanh thông thường mà trong đó người bán sẽ dựa trên các mối quan hệ và tiếp thị truyền miệng.
Tuy nhiên, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, các công ty sử dụng mô hình bán hàng đa cấp thường xuyên trở thành đối tượng bị chỉ trích và vướng vào các vụ kiện pháp lý. Nguyên nhân là vì mô hình này có quá nhiều điểm tương đồng với các mô hình bất hợp pháp như mô hình kim tự tháp, mô hình ponzi, thu phí gia nhập quá cao, tập trung vào việc lôi kéo người khác thay vì doanh thu thực tế, tận dụng mối quan hệ cá nhân để đạt được mục tiêu về doanh số cũng như tuyển dụng và nhiều hình thức lừa đảo tinh vi khác.

Tác hại và hệ lụy của bán hàng đa cấp bất chính

Kinh doanh đa cấp bất chính là hình thức lợi dụng, lừa đảo những người muốn tham gia bán hàng đa cấp bằng việc thu những khoản phí nộp khi tham gia, yêu cầu đóng một khoản tiền mua hàng khổng lồ mà không được cung cấp sản phẩm, dịch vụ rõ ràng nào.
“Lừa đảo” là cụm từ được người ta nhắc đến nhiều khi nói về bán hàng đa cấp bất chính. Lừa từ chất lượng sản phẩm đến giá bán. Những người bị lừa tham gia vào đường dây khi phát hiện bị lừa mua những sản phẩm với giá cao sẽ tìm cách (và được hướng dẫn cụ thể) để tránh thiệt hại là tiếp tục đi lừa lại người khác (thường là người thân của họ) tham gia như họ từng bị dụ. Kết quả là cả một dây chuyền “lừa” được tổ chức công khai và ngày càng lan rộng. Lừa đảo từ những lời mời gọi, thuyết phục về đầu tư sinh lời “khủng”, “ngồi mát ăn bát vàng”, “1 vốn 48 lời” để tạo hệ thống phân phối mà nhánh trên lợi dụng nhánh dưới để thu lợi. Tác hại của bán hàng đa cấp bất chính gây ra chính là do dân trí thấp và lòng tham của con người. Nhiều người dân đã trở thành nạn nhân của các công ty đa cấp, thậm chí tan đàn xẻ nghé hoặc mất nhà – đổ nợ. Bán hàng đa cấp bất chính tạo ra sự bất hòa mất đoàn kết trong những người thân thích, anh em bà con dòng họ, do người ta dụ dỗ nhau, lừa dối nhau để bán hàng đa cấp. Kiểu kinh doanh này cũng góp phần khơi dậy sự độc ác trong mỗi con người bởi khi đã lỡ đem tiền đưa vào kinh doanh, trước nguy cơ mất vốn, người ta sẵn sàng nhắm mắt dụ dỗ tiếp những người thân của mình trở thành nạn nhân. Thậm chí có những người phải tự tử vì tin vào những lời có cánh, tin vào giấc mộng đổi đời sắp đến mà bán nhà, cắm sổ đỏ, vay mượn để đầu tư nhưng kết quả mãi không thấy tiền đâu còn người thì chạy mất.

Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp chân chính

Mặc dù tồn tại rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ tai tiếng của hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, nhưng một số doanh nghiệp bán hàng đa cấp vẫn tồn tại nhiều năm và phát triển, mở rộng trên phạm vi toàn cầu. Vậy điều gì đã làm nên giá trị cốt lõi, thương hiệu của các doanh nghiệp này?

Trong môi trường phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế ngày nay, chất lượng sản phẩm chính là yếu tố quan trọng làm nên sức mạnh, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia nhận định, chất lượng sản phẩm đang là một trong những yếu tố quan trọng nhất làm tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đây cũng là giá trị cốt lõi để doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững, đồng thời cũng là cơ sở quan trọng cho việc đẩy mạnh quá trình hội nhập, giao lưu kinh tế và mở rộng trao đổi thương mại quốc tế của các doanh nghiệp.

Bà Trần Thị Thu Hương – Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại VCCI cho biết, theo nhiều nghiên cứu thị trường tại các nước, xu hướng người tiêu dùng bị tác động tích cực từ thương hiệu hơn là nguồn gốc sản phẩm, vì vậy chất lượng được đặt cao hơn xuất xứ. Bà Hương lấy dẫn chứng cụ thể, tại Mỹ 2/3 dân số sẵn sàng trả cao hơn cho các sản phẩm “Made in America” như quần áo, sữa… Hay là một nghiên cứu khác ở EU cho thấy 65% người tiêu dùng sẵn sàng trả cao hơn với thương hiệu của họ hơn có xuất xứ từ nước ngoài.

Dưới góc độ là một người tiêu dùng, luật sư Trần Ngọc Trung – Cố vấn cao cấp Công ty Luật Baker & McKenzie cho rằng, việc sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ ở đâu không phải là vấn đề thực sự lớn mà quan trọng là chất lượng của nó. Ngày nay, sản phẩm “Made in” tại đâu cũng chỉ là thông tin tham khảo, còn chất lượng mới là yếu tố cốt lõi để kéo người dùng cũng như giá trị chính để xây dựng thương hiệu doanh nghiệp.

Như vậy, “thay vì quản lý về xuất xứ, thì các cơ quan chức năng nên tập trung vào việc quản lý chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp để doanh nghiệp yên tâm và thương hiệu quốc gia không bị ảnh hưởng” ông Trung chia sẻ.

Qua đó có thể thấy, chất lượng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh, khẳng định vị thế, giá trị của sản phẩm, hàng hoá và thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Theo ông Ngô Minh Hải – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH, nội hàm cũng như giá trị cốt lõi của một thương hiệu phải là chất lượng sản phẩm. Tiếp đến là sáng tạo không ngừng nghỉ, thổi hồn vào thương hiệu bằng sự đổi mới và bắt kịp xu hướng thị trường. Đã đến lúc doanh nghiệp cần có sự thay đổi về cách tiếp cận truyền thống và công chúng hóa thương hiệu của sản phẩm.

Có thể thấy trong điều kiện ngày nay, nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng để tạo dựng thương hiệu. Tuy nhiên, để xây dựng được một thương hiệu đã khó, để xây dựng được một thương hiệu nổi tiếng lại càng khó hơn rất nhiều, nhất là đối với những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp. 

Chia sẻ quan điểm về việc xây dựng thương hiệu, ông Thân Đức Việt – Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho rằng, trong xây dựng thương hiệu thì doanh nghiệp cần lưu ý là thương hiệu không đơn giản chỉ ở một cái tên, mà trong đó nó phải hàm chứa chất xám về chất lượng, mẫu mã, công dụng… của sản phẩm. Nếu không coi chất lượng sản phẩm là yếu tố tiên quyết quan trọng nhất, là nền tảng thì rất khó để xây dựng được thương hiệu và nếu xây dựng được thì cũng sẽ đánh mất trong một sớm một chiều.

Trong lĩnh vực bán hàng trực tiếp cũng như vậy, nếu sản phẩm không có chất lượng sẽ không thể duy trì được mạng lưới khách hàng thân thiết và hệ thống người tham gia bán hàng đa cấp. Sự tồn tại và không ngừng lớn mạnh của một số doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại Việt Nam trong thời gian gần đây như Herbalife, Amway, Nu Skin và New Image đã minh chứng cho điều đó.

Ông Nguyễn Phương Sơn – Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Amway Việt Nam cũng đã khẳng định “Người tiêu dùng ngày càng “thông thái” trong chọn lựa các sản phẩm để bảo vệ sức khỏe của họ.  Tập đoàn Amway toàn cầu nói chung và Amway Việt Nam nói riêng luôn đề cao vấn đề chất lượng của các sản phẩm lên hàng đầu”./.