Làm thế nào để “bán hàng tận cửa” lấy lại niềm tin của người tiêu dùng?

    “Bán hàng tận cửa” là trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện việc bán hàng hóa tại nơi ở, nơi làm việc của người tiêu dùng (Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng).

    Như vậy, một cách đơn giản có thể hiểu bán hàng tận cửa là việc bên bán tới nơi ở hoặc làm việc của bên mua để giới thiêu, chào bán và thực hiện giao dịch mua bán. Thông thường mọi người thường đến các cửa hàng, cửa hiệu, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh… để mua hàng hóa. Tuy nhiên, hiện nay, với sự đa dạng về hình thức bán hàng và nhu cầu của các bên, người bán có thể gặp trực tiếp người mua để chào bán hoặc mang hàng hóa đến tận nơi người mua sinh sống, làm việc để thực hiện giao dịch mua bán.

    Trong thực tế, người tiêu dùng có thể hẹn người bán hàng mang hàng đến một nơi khác thuận tiện với hoàn cảnh của mình thời điểm đó mà không phải chỗ ở hay nơi làm việc của mình để xem xét, kiểm tra hàng hóa và thực hiện việc mua bán, điều đó hoàn toàn được hiểu là bán hàng tận cửa.

    Hình thức bán hàng tận cửa hiện nay đang có xu hướng gia tăng ở các đô thị bởi nó tạo ra sự thuận tiện cho bên mua là người tiêu dùng bận rộn, người già hoặc những người không có nhiều thời gian. Đối với hình thức bán hàng tận cửa, sản phẩm khá đa dạng, nhưng chủ yếu là những vật dụng và nhu yếu phẩm như dụng cụ lau giặt, thực phẩm, sách báo và các vật dụng, thiết bị gia dụng…

    Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người tiêu dùng bị mắc lừa khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng do những kẻ mang đến tận nhà chào bán. Thậm chí những kẻ bán hàng còn giả dạng nhân viên công ty đến tận nhà để ký hợp đồng, xưng danh cả cán bộ địa phương dọa nạt, ép buộc phải mua hàng… Những hành vi kiểu này đã cấu thành tội lừa đảo, đồng thời, tạo những ấn tượng không mấy thiện cảm cho người tiêu dùng về hình thức bán hàng tận cửa, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của hoạt động bán hàng tận cửa cho người tiêu dùng.

    Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản dưới luật đã đưa ra những quy định về hình thức bán hàng tận cửa nhằm bảo vệ quyền lợi cho những đối tượng người tiêu dùng khác nhau.

    Sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực, bán hàng tận cửa đã được điều chỉnh bằng những quy định chi tiết. Trước sự phức tạp và đa dạng của những hình thức bán hàng trong xã hội hiện nay, mục tiêu tối thượng của Luật và những văn bản hướng dẫn thi hành luật là hướng tới lợi ích người tiêu dùng, tạo ra cơ chế bảo vệ họ và giúp họ bảo vệ chính mình, đồng thời, khẳng định trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng không chỉ của riêng một cơ quan hữu quan nào mà là trách nhiệm của toàn xã hội.

    Để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng đối với hoạt động bán hàng tận cửa, doanh nghiệp có hoạt động bán hàng tận cửa cần phải nâng cao trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng, đào tạo người bán hàng tận cửa của doanh nghiệp mình tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi thực hiện giới thiệu, tiếp thị sản phẩm và giao dịch với người tiêu dùng, cụ thể như sau:

  • Giới thiệu tên, số điện thoại liên lạc, địa chỉ, trụ sở của tổ chức, cá nhân kinh doanh, chịu trách nhiệm về đề nghị giao kết hợp đồng;
  • Không được tiếp tục đề nghị giao kết hợp đồng khi người tiêu dùng đã từ chối;
  • Giải thích cho người tiêu dùng về điều kiện của hợp đồng, thông tin khác mà người tiêu dùng quan tâm liên quan đến hàng hóa, dịch vụ;
  • Trường hợp hợp đồng bán hàng tận cửa được lập thành văn bản, sau khi ký kết hợp đồng, phải giao cho người tiêu dùng một bản;
  • Không yêu cầu người tiêu dùng thanh toán hoặc thực hiện các nội dung hợp đồng trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ ngày giao kết hợp đồng (đây là khoảng thời gian cần thiết theo luật định để người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng và có quyền yêu cầu đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết và thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân kinh doanh).

    Mặc dù vậy, trong những giao dịch mua bán hàng hóa hàng ngày như thế này, nhận thức và sự hiểu biết của người tiêu dùng là yếu tố then chốt giúp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ. Người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức pháp luật, hiểu biết xã hội để tự bảo vệ mình trong các giao dịch mua bán hàng hóa thông qua hình thức bán hàng tận cửa./.