Kết quả khảo sát mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me (Q&Me) cho thấy, tỷ lệ người tiêu dùng Việt sử dụng các ứng dụng mua sắm và thanh toán trực tuyến thông qua thiết bị di động đều tăng lên, điều này khẳng định về sự nổi lên của tiêu dùng số nhằm “tiếp nhiên liệu” cho ngành bán lẻ tiếp tục đổi mới. Đây là thời điểm mà các cửa hàng bán lẻ truyền thống cần “nắm thóp” xu thế này để cạnh tranh, giữ chân người mua.
Khảo sát của Q&Me về xu hướng và hành vi sử dụng ứng dụng di động (mobile app) của người tiêu dùng Việt (được thực hiện từ tháng 11/2021) cho thấy, tỷ lệ người sử dụng các ứng dụng mua sắm và thanh toán trực tuyến đều tăng lên.
“Phép thử” cho cửa hàng truyền thống
Trong đó, Shopee và Momo là các ứng dụng đứng đầu của những xu hướng này. Ngoài ra, còn có các ứng dụng phổ biến như: Facebook, YouTube, TikTok, Zalo, Facebook Messenger…
Riêng về xu hướng đặt hàng ăn uống tại Việt Nam năm 2022, như khảo sát của Q&Me, dịch vụ giao đồ ăn trở nên ngày càng phổ biến, đặc biệt là các việc sử dụng các ứng dụng giao hàng qua điện thoại.
Theo đó, 83% người tiêu dùng Việt được hỏi có sử dụng các dịch vụ giao hàng đồ ăn/thức uống, cao hơn so với 62% của 12 tháng trước.
Trong số các khách hàng này, 77% có sử dụng ít nhất một ứng dụng giao hàng trên điện thoại. Có 3 ứng dụng phổ biến nhất là Grab, Now/ShopeeFood và Baemin. Grab là ứng dụng (app) được sử dụng nhiều nhất, trong khi Baemin có gia tăng mức độ phổ biến và duy trì tốt mức độ hài lòng của khách hàng.
Ngoài những khảo sát trên, một số chuyên gia phân tích nhấn mạnh việc phổ biến sử dụng thiết bị di động đã ảnh hưởng lớn đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng Việt.
Nhất là các cửa hàng bán lẻ truyền thống sẽ ngày càng chịu tác động bởi chuyện này khi người tiêu dùng Việt thông qua các thiết bị di động có thể giảm hoặc tăng lượng tìm kiếm các cửa hàng. Điều này dẫn đến việc mua hàng bị trì hoãn nhiều hơn hoặc là mua hàng tại cửa hàng ngay bây giờ.
Không chỉ vậy, thông qua các thiết bị động, người mua càng có thêm nhiều hơn những lựa chọn giữa việc mua sắm trực tuyến hay là đến thực tế mua hàng hoá tại các cửa hàng truyền thống.
Đây chính là những “phép thử” mà các cửa hàng bán lẻ truyền thống cần lưu tâm nhằm có lộ trình nhắm đến những người mua sắm được hỗ trợ bởi thiết bị di động để tăng hiệu quả bán hàng.
Ngoài ra, nhận định gần đây về diện mạo mới của người tiêu dùng Việt, các chuyên gia phân tích của McKinsey & Company cho rằng “công dân thế hệ số” đang trở thành một động lực ngày càng lớn trong bức tranh tiêu dùng Việt Nam.
“Công dân thế hệ số” là khái niệm để chỉ những người sinh trong giai đoạn 1980-2012, gồm Thế hệ Z (được dùng để chỉ nhóm người được sinh ra vào khoảng thời gian từ 1997 đến 2012, được được mệnh danh là những công dân của thời đại số hoá) và Thế hệ Y (chỉ những người sinh ra trong thập niên 80 và đầu thập niên 90).
“Tiếp nhiên liệu” đổi mới ngành bán lẻ
Dự kiến đối tượng này sẽ chiếm khoảng 40% tổng tiêu thụ của Việt Nam ở năm 2030. Thành viên của thế hệ sành công nghệ số này chủ yếu sẽ “sống” trên mạng và trên điện thoại di động.
Thống kê cho thấy, gần 70% dân số Việt Nam có sử dụng internet. Tính đến nay, quá trình số hóa diễn ra nhanh chóng đang làm thay đổi các kênh và phương pháp trao đổi thông tin hàng ngày của người Việt, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử, nơi các doanh nghiệp (doanh nghiệp) tầm cỡ khu vực như Shopee và Lazada và các doanh nghiệp trong nước như Tiki đang hoạt động tích cực.
Chính vì vậy, theo của McKinsey & Company, sự nổi lên nhanh chóng của đối tượng người tiêu dùng số đã “tiếp nhiên liệu” cho những đổi mới trong hành vi bán lẻ và mua sắm.
Giới chuyên gia nhận định, trong năm 2022 này thị trường tiêu dùng Việt Nam tiếp tục có những thay đổi to lớn về hành vi khi mà thu nhập gia tăng và đổi mới mô hình kinh doanh và công nghệ được đẩy mạnh.
Có thể thấy rõ năm thay đổi: Tác động của số hóa đến các kênh phân phối; gia tăng sử dụng các hệ sinh thái tương tác trực tiếp với người tiêu dùng; ưu tiên ngày càng lớn dành cho các thương hiệu trong nước; quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm thể hiện “lối sống có ý thức”; giảm chênh lệch giữa các vùng, miền.
Ngoài ra, dựa trên các cuộc phỏng vấn và thảo luận nhóm với khách hàng thuộc Thế hệ Y của các nhà bán lẻ đa kênh trong lĩnh vực hàng điện tử, nghiên cứu mới đây của nhóm nghiên cứu đại học RMIT Việt Nam đã tìm ra lý do mới cho hành vi chuyển kênh, đó là ảnh hưởng từ các nhóm xã hội và mức độ tự tin vào năng lực bản thân khi thực hiện hành vi chuyển đổi.
Thông qua đó, nhóm nghiên cứu này có lưu ý các nhà bán lẻ đa kênh cần đẩy mạnh tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng và chiến lược giữ chân khách hàng.
Còn các chuyên gia của McKinsey có một nhận định đáng chú ý, đó là số hóa đang làm thay đổi nhanh chóng cách mua sắm của người Việt và thương mại truyền thống cũng đang số hóa một cách nhanh chóng.
Nhất là khi Việt Nam hiện có hơn 680.000 cửa hàng trực tiếp (offline) bán các mặt hàng thực phẩm cơ bản và đồ tiêu dùng nhanh (FMCG). Các doanh nghiệp trong nước như Telio và Vinshop đang cung cấp cho các cửa hàng bán thực phẩm và mặt hàng FMCG truyền thống này những lựa chọn về phương thức đặt hàng số và thanh toán số.
Do các doanh nghiệp số từng bước cạnh tranh với các doanh nghiệp kinh doanh B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) truyền thống như các đại lý bán buôn hay các cửa hàng bán buôn (cash-and-carry), thương mại truyền thống có thể có sự kết nối mạnh mẽ hơn. Quá trình này có thể loại bỏ vai trò trung gian của các nhà phân phối và bán buôn truyền thống, từ đó dẫn đến hiệu suất cao hơn./.