Đặc thù của hoạt động bán lẻ tại Việt Nam

Bán lẻbao gồm mọi hoạt động liên quan tới việc bán hàng hóa trực tiếp tới người tiêu dùng cuối cùng để sử dụng cho cá nhân họ, không nhằm mục đích kinh doanh.

Theo quy định hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam, bán lẻ là hoạt động bán lại (không làm biến đổi hàng hóa) hàng hóa loại mới và loại đã qua sử dụng cho cộng đồng, cho tiêu dùng của cá nhân, hộ gia đình hoặc tiêu dùng xã hội, được thực hiện ở các cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tổng hợp, trung tâm thương mại, quầy hàng, sạp bán hàng, cửa hàng nhận đặt và trả hàng qua bưu điện, hợp tác xã mua bán, bán hàng lưu động hoặc tại chợ[1].

Hoạt động bán lẻ có nhiều tổ chức tham gia, bao gồm cả các nhà sản xuất, nhà bán buôn, nhà bán lẻ; nhưng chủ yếu hoạt động bán lẻ do các nhà bán lẻ (trong chuyên đề này nghiên cứu định hướng các nhà bán lẻ, cơ sở bán lẻ là hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích) thực hiện. Hoạt động bán lẻ được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, từ trước đến nay hầu hết các hoạt động bán lẻ được diễn ra phổ biến tại các cửa hàng bán lẻ (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi). Tại đó, các cá nhân và tổ chức có địa điểm kinh doanh cố định, để trưng bày và chào bán hàng hóa, và người tiêu dùng có thể mua và thanh toán trực tiếp tại các cửa hàng này tùy theo quy mô và tính chất của các cửa hàng khác nhau.

Thị trường bán lẻ là thị trường diễn ra các hoạt động bán lẻ. Tác nhân chính của thị trường bán lẻ là các nhà bán lẻ và người tiêu dùng, tiến hành các hoạt động mua bán hàng hóa, chủ yếu là hàng tiêu dùng, trong một khuôn khổ nhất định. Thị trường bán lẻ, theo truyền thống, kết nối các chủ thể bán lẻ với khách hàng thông qua giao dịch tại cửa hàng, tại các điểm bán lẻ như chợ, cửa hàng bán lẻ độc lập, cửa hàng bách hóa, cửa hàng chuyên doanh, siêu thị, chuỗi các cửa hàng tiện ích, các cửa hàng bán hàng nhượng quyền…Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, các loại hình bán lẻ không qua cửa hàng đã làm cho thị trường bán lẻ trở nên nhộn nhịp hơn với các phương thức tổ chức cung ứng, thanh toán nhanh chóng, đa dạng, tích hợp hiệu quả các khâu, các giai đoạn của quá trình tìm hiểu nhu cầu, tiếp cận khách hàng và đáp ứng nhu cầu của khách hàng mua lẻ.

Hàng hóa, dịch vụ của các nhà phân phối bán lẻ thường có khối lượng nhỏ, chủ yếu phục vụ cho việc bán lẻ hàng hóa trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng. Do đó, hoạt động bán lẻ không quy định số lượng hàng hóa, dịch vụ tối thiểu hay tối đa đối với khách hàng. Tùy vào nhu cầu tiêu dùng, người tiêu dùng sẽ quyết định khối lượng hàng hóa được mua.

Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ hướng đến đối tượng là người tiêu dùng cuối cùng nên các nhà cung cấp cho các nhà phân phối bán lẻ thường là các nhà bán buôn, các đại lý vừa bán buôn vừa bán lẻ, nhà sản xuất. Đối với nhà bán lẻ là hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, số lượng và khối lượng mặt hàng thường đa dạng nên nhà sản xuất sẽ phân phối trực tiếp hàng hóa đến nhà bán lẻ. Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi tham gia vào hoạt động mua hàng hóa tiêu dùng tại nhà bán lẻ (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi), hoạt động bán lẻ phải đảm bảo các hoạt động đặc thù như cung cấp thông tin cho người tiêu dùng; hoạt động ghi nhãn hàng hóa; hoạt động bảo hành./.


[1] Theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg về việc ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam