Cạnh tranh ngầm thông qua M&A trong ngành bán lẻ hậu đại dịch Covid-19

Khi nhu cầu tiêu dùng dần phục hồi, cũng là thời điểm các doanh nghiệp bán lẻ tính tới kế hoạch mở rộng “chân rết”, phát triển nhóm sản phẩm mới. Có thể nói đây là thời điểm “sóng ngầm” cạnh tranh đang nổi lên trong thị trường bán lẻ.

Có lẽ đúng như nhận định của nhiều chuyên gia, ngành bán lẻ Việt Nam đã qua rồi thời “cá lớn nuốt cá bé”, mà đây là thời ai nhanh hơn sẽ thắng, bởi vậy xu hướng bắt tay hợp tác giữa hãng bán lẻ nội với các doanh nghiệp ngoại cũng đang là lựa chọn được đặt ra.

Tập đoàn BRG hợp tác với Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản

Khi thị trường dần hồi phục, những toan tính về mở rộng thị phần trong ngành cũng dần lộ diện. Mới đây, thương vụ hợp tác giữa Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) trong việc phát triển chuỗi siêu thị FujiMart đã chứng minh điều này.

Hình ảnh siêu thị Fujimart tại 142 Lê Duẩn, Hà Nội

Tại sao Tập đoàn BRG đang sở hữu chuỗi siêu thị BRGMart và minimart Haprofood/BRGMart lại quyết tâm hợp tác với “ông lớn” Nhật trong việc phát triển một hệ thống siêu thị mới? Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, cho rằng thương vụ này phục vụ lợi ích 3 bên, trong đó BRG cũng có lợi, tránh được xung đột cạnh tranh từ đối tác kinh doanh (BRG và Sumitomo đang hợp tác dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội với vốn đầu tư gần 4,2 tỷ USD).

“Hệ thống siêu thị BRGMart vẫn tồn tại, nhưng chúng tôi ưu tiên mở rộng siêu thị FujiMart nhằm giúp người tiêu dùng được trải nghiệm chất lượng và dịch vụ tốt nhất. Đồng thời có thể xuất khẩu hàng hóa qua thị trường Nhật thông qua hệ thống phân phối của Sumitomo”, bà Nga chia sẻ.

Có thể thấy, thương vụ hợp tác phát triển FujiMart được ví như một “mũi tên trúng nhiều đích” mà cả hai “đại gia” đang tính tới, trước mắt tham vọng đặt ra là từ năm 2022, mỗi năm mở mới từ 5 – 10 cửa hàng và đến 2028 sẽ đạt khoảng 50 cửa hàng tại các thành phố lớn trên cả nước.

Rõ ràng với Sumitomo, việc thông qua BRG sẽ giúp doanh nghiệp này khai phá được thị trường Việt Nam – nơi mà nhiều ông lớn ngoại dù giàu tiềm lực cũng phải đóng cửa như AuChan hay Parkson rút khỏi Việt Nam.

Còn với BRG, sau thương vụ thâu tóm Hapro, dù cũng liên tục mở rộng song nếu so với các đối thủ đáng gờm như Central Retail (Central Food Hall, Tops Market, Tops Daily, Tops Superstore, Tops Online, Family Mart, GO!, Mini go!, và siêu thị Lan Chi) hay Masan (sở hữu siêu thị WinMart, cửa hàng WinMart+); Thế Giới Di Động (Bách Hóa Xanh); Saigon Co.op… thì vẫn còn khiêm tốn. Sự hợp tác này sẽ giúp BRG có thêm nguồn lực, kinh nghiệm để mở rộng “chân rết”, giành được thị phần ở “sân nhà”.

Theo đánh giá từ Bộ Công Thương, trong thời gian qua làn sóng vốn trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục “đổ” mạnh vào ngành bán lẻ Việt Nam. Có thể nhận thấy trên thị trường đã nổi lên một số nhà phân phối bán lẻ bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang nắm giữ thị phần chủ yếu, cạnh tranh lẫn nhau và đi đầu trong những xu hướng bán lẻ mới.

Các tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart… đã liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Điều này cho thấy tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam là rất lớn, muốn giành được thị phần thì phải có một chiến lược mới. 

Đặc biệt, những lĩnh vực khá tiềm năng như dược phẩm, không giấu tham vọng, BRG cho hay cùng với chuỗi siêu thị FujiMart, BRGMart, cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm nhập khẩu Intershop… định hướng bán lẻ của tập đoàn sẽ hướng đến thêm lĩnh vực dược phẩm, trang sức, thời trang… nhằm tận dụng tối đa khai thác thị trường nội địa.

M&A trong lĩnh vực bán lẻ thiết bị điện tử, đồ gia dụng

Rõ ràng, trong và sau đại dịch COVID-19, lĩnh vực dược phẩm đang trở thành “mảnh đất” màu mỡ, hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT Digiworld, cho biết doanh nghiệp này đặt mục tiêu tới năm 2025 sẽ nằm trong top 3 nhà phân phối dược phẩm và thiết bị y tế lớn nhất cả nước.

Cụ thể, ông Việt cho biết trong năm 2021, Digworld phải vượt qua rất nhiều khó khăn vì COVID-19, thực hiện “3 tại chỗ” song tăng trưởng trong phân phối điện thoại đạt 50%, Laptop trên 80%. Trong giai đoạn tới, ngành hàng điện thoại, laptop tiếp tục sẽ tăng trưởng mạnh. Theo một kết quả nghiên cứu thị trường, tăng trưởng hai ngành này sẽ đạt 2 con số. “Chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng ngành hàng điện thoại, laptop sẽ đạt 25%, tăng trưởng cao hơn mức bình quân thị trường. Đồng thời, chúng tôi sẽ mở thêm kênh bán hàng mới”, ông Việt chia sẻ.

Theo đó, ngành hàng thiết bị gia dụng cũng sẽ được Digiworld tập trung trong năm nay vì nhận thấy người trẻ ngày càng có nhiều xu hướng sử dụng thiết bị công nghệ như máy rửa bát, máy lau nhà… Bên cạnh đó, sẽ phát triển ngành dược phẩm và thiết bị y tế, nghiên cứu thêm cả ngành hàng đồ uống, đồ ăn…

Tham vọng lớn là vậy, song ông Việt cũng cho rằng việc chiếm lĩnh thị trường trong bối cảnh hiện nay là không hề dễ dàng trước cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các “nhãn hàng, tay chơi đáng gờm” khác. Theo đó, lãnh đạo Digiworld cho rằng, doanh nghiệp này sẽ lựa chọn dòng sản phẩm trong mỗi nhóm hàng để đẩy mạnh phân phối, khuyến mãi, thu hút khách hàng.

Tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một gia tăng của các hãng phân phối nước ngoài đã gây sức ép rất lớn và là mối lo ngại cho các nhà bán lẻ nội địa.

Trước sự cạnh tranh khốc liệt này, ngay cả Bách Hóa Xanh – từng dính nhiều bê bối về việc bán hàng giá đắt đỏ trong cao điểm của COVID-19 trong năm 2021 cũng cho biết sẽ phải thay đổi lại cung cách phục vụ bán hàng trong năm 2022 này.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Tập đoàn Thế Giới Di Động, cho hay năm nay chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh sẽ làm nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng quay lại. Đặc biệt, sự thay đổi của Bách Hóa Xanh trong thời gian tới bao gồm chất lượng phải là số một, “bởi kéo được một khách hàng vào Bách Hóa Xanh tốn công sức rất nhiều nhưng chỉ cần bán một món hàng, một trái sầu riêng không ăn được thôi là họ quay lưng vài tháng”, ông Tài ý thức rất rõ chất lượng dịch vụ sẽ quyết định thế nào[1].

Trong một báo cáo của Bộ Công Thương về kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế cũng đánh giá các lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản, công nghiệp và nông nghiệp có thể vẫn sẽ là tâm điểm thu hút tập trung kinh tế trong năm 2021 và 2022. Điều này hứa hẹn những thay đổi phát triển mới trên thị trường bán lẻ, vì thói quen của người tiêu dùng trong và sau COVID-19 cũng thay đổi, đòi hỏi những toan tính mới của chính mỗi doanh nghiệp./.


[1] Nguồn: https://vnbusiness.vn/