Doanh nghiệp tự soi lại mình từ Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng

    Trong khuôn khổ Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng giai đoạn 2021 – 2025, mỗi năm, Bộ Công Thương sẽ xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong một ngành, lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ đặc thù với mục tiêu thúc đẩy văn hóa kinh doanh vì người tiêu dùng; khuyến khích doanh nghiệp trong ngành, lĩnh vực đó nâng cao trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng.

    Năm 2021, thông qua Đề án, Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng sẽ được xây dựng và áp dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bán hàng trực tiếp. Thực chất, Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng năm 2021 là tập hợp hàng trăm tiêu chí chi tiết được lựa chọn phù hợp với hoạt động bán hàng trực tiếp, tạo thành thước đo chuẩn mực về quy tắc ứng xử đối với người tiêu dùng trong lĩnh vực bán hàng trực tiếp. Các tiêu chí sẽ được phân theo các nhóm trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng, như trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin, bằng chứng giao dịch cho người tiêu dùng; trách nhiệm về bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện; đảm bảo chất lượng hàng hóa an toàn cho tính mạng, sức khỏe và tài sản của người tiêu dùng; trách nhiệm về bảo mật thông tin; thu hồi hàng hóa có khuyết tật…

Ông Phan Thế Thắng – Phó trưởng phòng, Phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương trả lời phóng sự

    Theo ông Phan Thế Thắng – Phó trưởng phòng, Phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho biết: “Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng được coi là một trong các giải pháp thúc đẩy và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong lĩnh vực bán hàng trực tiếp đối với người tiêu dùng Việt, bởi nhờ đó, doanh nghiệp có thể tự đánh giá, tự soi lại chính mình để rà soát xem các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của doanh nghiệp đã thực sự tuân thủ các quy định pháp lý và đảm bảo trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng hay chưa, để từ đó, doanh nghiệp tự mình hoàn thiện, điều chỉnh các chính sách, chiến lược và các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình sao cho đảm bảo tốt nhất các quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng”.

    Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực bán hàng trực tiếp nếu được các doanh nghiệp trong ngành áp dụng để tự đánh giá, soi chiếu và hoàn thiện mình sẽ giúp cho người tiêu dùng được hưởng thành quả từ sự nỗ lực của doanh nghiệp, đồng thời, doanh nghiệp cũng có cơ hội gia tăng uy tín, hình ảnh, thương hiệu trong mắt người tiêu dùng, hướng đến phát triển bền vững.

    Thêm vào đó, Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng cũng như một công cụ giúp tăng cường hiệu quả thực thi của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các cấp.

    Với ý nghĩa như vậy, Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng rất đáng được khuyến khích để các doanh nghiệp bán hàng trực tiếp đăng ký tham gia Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng./.