Giải pháp hạn chế quảng cáo gian dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng trong kinh doanh đa cấp

Quảng cáo có ý nghĩa quan trọng trong việc mang lại cơ hội cho thương nhân trong việc tiếp thị, cung cấp hàng hóa, dịch vụ đến tay người tiêu dùng. Hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực bán hàng đa cấp có đặc thù là ngoài chủ thể doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, thì việc tiếp thị, quảng cáo sản phẩm kinh doanh đa cấp phần lớn do những người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện trực tiếp khi tương tác với khách hàng, người tiêu dùng. Đồng thời, sản phẩm kinh doanh chủ yếu thông qua phương thức đa cấp tại Việt Nam là thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp tại nhà.

Thời gian qua, theo số liệu của các cơ quan quản lý nhà nước như Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, hành vi vi phạm liên quan đến quảng cáo trong lĩnh vực bán hàng đa cấp chủ yếu là nói quá, quảng cáo “thổi phồng”, cung cấp thông tin sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng về tính năng, công dụng của sản phẩm.

Trong khi đó, hành vi vi phạm của các đối tượng có xu hướng ngày càng tinh vi. Các hình thức vi phạm phổ biến là sử dụng hình ảnh, các bài viết của nhân viên y tế hoặc bài viết, phản hồi của người tiêu dùng nhằm ám chỉ thực phẩm là thuốc chữa bệnh hoặc có công dụng như thuốc chữa bệnh, là trái quy định pháp luật. Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân còn có hành vi quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm; dùng hình ảnh bác sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, hoặc logo các đài truyền hình để lồng ghép nội dung quảng cáo trái phép, gần như lừa dối người tiêu dùng về công dụng của các thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe… Nội dung của các quảng cáo nêu trên hầu như nói về công dụng thần kỳ của thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh, thuốc đặc trị.

Khách hàng mua hàng dựa trên những thông tin sai lệch là những người phải chịu thiệt hại đầu tiên, các đối thủ cạnh tranh cũng mất đi một lượng khách hàng đáng kể. Các thông tin sai sự thật làm cho thị trưởng trở nên hỗn loạn, không minh bạch, tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Quảng cáo sai sự thật cần phải bị nghiêm cấm, bởi nó là một hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại cho doanh nghiệp khác, đồng thời là hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Các giải pháp đặt ra để hạn chế quảng cáo gian dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng trong kinh doanh đa cấp có thể là:

  • Cảnh báo, khuyến cáo người tiêu dùng không mua, sử dụng các sản phẩm quảng cáo sai sự thật. Các sản phẩm được quảng cáo tràn lan và “thổi phồng” như thuốc chữa bệnh hiện nay gồm: sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan…, thậm chí có thuốc quảng cáo phải dùng vài tháng mới thấy tác dụng, chính thời gian này đã cướp mất cơ hội được chữa bệnh kịp thời của bệnh nhân, rất nguy hiểm.
  • Cần phải có sự vào cuộc nghiêm túc của các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, về hoạt động quảng cáo; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, quảng cáo của doanh nghiệp, trường hợp phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm minh mới có thể giúp ngăn ngừa và giảm bớt tình trạng quảng cáo “thổi phồng” về sản phẩm.
  • Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật nói chung và các quy định về quảng cáo nói riêng cho các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo cũng như người dân, người tiêu dùng để nhận thức rõ về các hành vi có dấu hiệu vi phạm, ngăn ngừa và đấu tranh chống các hành vi quảng cáo gian dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng./.