Bán lẻ (Retailing) là một hoạt động ra đời từ rất lâu của con người, do đó có khá nhiều định nghĩa khác nhau được đưa ra cho đến nay. Nhìn chung bán lẻ là hoạt động kinh doanh bằng cách mua với số lượng lớn từ nhà sản xuất, hoặc nhà bán sỉ rồi chia nhỏ và bán lẻ cho người tiêu dùng nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân hay gia đình.
Theo Điều 3 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 quy định:
“Bán lẻ là hoạt động bán hàng hóa cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng.
Cơ sở bán lẻ là địa điểm thực hiện hoạt động bán lẻ.”
Trong chuỗi giá trị, nhà bán lẻ là mắt xích cuối cùng nối nhà sản xuất với người tiêu dùng. Vai trò của nhà bán lẻ là cực kỳ quan trọng bởi vì chính ngay tại điểm bán lẻ người tiêu dùng có cơ hội chọn mua sản phẩm và thương hiệu mà mình ưa chuộng. Người bán lẻ là người am hiểu nhất nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời người bán lẻ cũng chính là người nắm bắt được sát thực nhất những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của khách hàng. Nhà bán lẻ là nhà sản xuất, nhà bán sỉ hay người bán lẻ có rất nhiều hình thức để tiến hành hoạt động bán lẻ như bán hàng trực tiếp, bán hàng qua điện thoại, bán hàng trực tuyến hoặc bán hàng qua máy bán tự động…
Trước tiên, để làm rõ khái niệm thị trường bán lẻ, tác giả đưa ra khái niệm về thị trường:
Thị trường ra đời và phát triển gắn liền với lịch sử phát triển của quan hệ cung cầu và nền sản xuất, trao đổi hàng hóa. Khái niệm thị trường rất đa dạng và phong phú, dưới nhiều góc độ tiếp cận
Theo quan điểm truyền thống, thị trường là nơi thực hiện các giao dịch mua bán, chuyển nhượng, trao đổi giữa người mua và người bán về các loại hàng hoá, dịch vụ, vốn, sức lao động và các nguồn lực khác trong nền kinh tế.
Trong Marketing, khái niệm về thị trường cũng dựa trên nền tảng là sự trao đổi. Theo Philip Kotler: “Thị trường là tập hợp tất cả những người mua thực sự hay những người mua tiềm tàng đối với một sản phẩm”. (Nhà xuất bản đại học Kinh tế quốc dân , 2006) [1]
Về nguyên lý, các yếu tố cấu thành thị trường, bao gồm:
- Đối tượng tham gia: bên mua (CN,TC) – bên bán (CN,TC).
- Phương tiện trao đổi: sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
- Điều kiện thực hiện trao đổi: khả năng cung cấp và thanh toán, cơ chế thực hiện.
Như vậy, thị trường là lĩnh vực trao đổi, mua bán hàng hóa, dịch vụ mà các chủ thể kinh tế cạnh tranh với nhau, để xác định giá cả hàng hóa, dịch vụ và số lượng giao dịch. Nhìn chung, nhắc đến thị trường là nhắc về địa điểm, rộng hơn là không gian mua bán, là sự cạnh tranh giữa các chủ thể trong nền kinh tế, trao đổi mua bán các yếu tố đầu vào và yếu tố đầu ra của sản xuất.
Từ đó, có thể rút ra về thị trường bán lẻ như sau: là thị trường mà người mua, người bán tác động qua lại lẫn nhau để xác định giá cả và khối lượng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng và hàng hóa, dịch vụ đó không còn cơ hội quay lại thị trường. Hay một cách dễ hiểu theo trong cuốn “Tổ chức và kinh doanh trên thị trường hàng hóa và dịch vụ ở Việt Nam”: Thị trường bán lẻ bao gồm toàn bộ các hoạt động nhằm bán hàng hóa trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng để tiêu dùng cá nhân.
Các nhà bán lẻ thuộc đủ loại quy mô và hình thức và luôn xuất hiện thêm những hình thức bán lẻ mới. Các chức năng phân phối do các nhà bán lẻ thực hiện có thể phối hợp theo nhiều cách khác nhau để tạo ra các dạng mới của định chế bán lẻ. Có thể phân loại bán lẻ qua các tiêu thức sau:
– Theo mức độ phục vụ, gồm có:
- Bán lẻ tự phục vụ (tự chọn) là hình thức mà khách hàng tự chọn lấy hàng hoá, mang đến bàn tính tiền để tính tiền và thanh toán tiền hàng. Nhân viên thu tiền kiểm hàng, tính tiền, lập hoá đơn bán hàng và thu tiền của khách hàng. Nhân viên bán hàng có trách nhiệm hướng dẫn khách hàng và bảo quản hàng hoá ở quầy (kệ) do mình phụ trách. Hình thức này được áp dụng phổ biến ở các siêu thị.
- Bán lẻ phục vụ đầy đủ có nhân viên bán hàng sẵn sàng giúp đỡ trong quá trình lựa chọn, so sánh tại chỗ. Bán lẻ phục vụ đầy đủ có chi phí cao để duy trì nhân viên phục vụ, và thường áp dụng cho những sản phẩm có nhu cầu đặc biệt (hàng thời thượng, đồ kim hoàn, máy ảnh,…) với chính sách cho phép trả lại hàng đã mua, bán trả góp, giao hàng tại nhà miễn phí, phục vụ tại chỗ đối với hàng lâu bền, và những tiện nghi dành cho khách hàng như phòng ngồi nghỉ và giải khát không mất tiền…
– Theo mặt hàng kinh doanh, gồm có:
- Cửa hàng chuyên doan: là cửa hàng phục vụ cho một thị trường bán lẻ cụ thể. Ví dụ về các cửa hàng chuyên doanh bao gồm cửa hàng máy ảnh, nhà thuốc, nhân viên văn phòng phẩm và nhà sách. Nói cách khác, một cửa hàng chuyên về một dòng sản phẩm.
- Cửa hàng bách hoá: là một cơ sở bán lẻ cung cấp một loạt các mặt hàng tiêu dùng đa chủng loại được gọi là “các gian hàng”.
- Siêu thị là những trung tâm bán lẻ lớn, chi phí thấp, tự phục vụ giá thấp, doanh số bán ra cao.
- Cửa hàng tiện ích là những cửa hàng bán lẻ nhỏ, bán một số mặt hàng phục vụ nhu cầu thường xuyên của người tiêu dùng.
– Theo giá bán của nhà bán lẻ:
- Cửa hàng chiết khấu: Bán hàng với giá thấp nhằm mục tiêu bán được doanh số lớn
- Cửa hàng kho: Bán hàng số lượng lớn với giá hạ, cửa hàng này mang tính chất như một kho hàng, không trưng bày hàng hóa, không quảng cáo nhằm tận dụng diện tích và chi phí.
- Cửa hàng miễn thuế: Đây là địa điểm lưu giữ và bán hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu, sản xuất trong nước cho các đối tượng được hưởng ưu đãi về chính sách thuế theo quy định của pháp luật.
– Theo phương thức, bao gồm:
- Mô hình bán lẻ truyền thống: sẽ được tiến hành qua các kênh như sạp bán hàng ở chợ, tạp hóa, cửa hàng tiện lợi,… là tiêu biểu nhất. Đây đều là những địa điểm mua sắm quá đỗi quen thuộc đối với người tiêu dùng Việt từ xưa đến nay. Đặc biệt là những khu chợ dân sinh, chợ truyền thống đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa sinh hoạt của mỗi cá nhân.
- Mô hình bán lẻ hiện đại: là hình thức kinh doanh nhằm tiêu thụ các loại hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng nhằm thỏa mãn nhu cầu, mong muốn của khách hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại hay những trung tâm mua sắm, cửa hàng chuyên doanh. Được đảm bảo chất lượng trang bị kỹ thuật và trình độ quản lý, tổ chức kinh doanh, có các phương thức phục vụ văn minh.
- Mô hình bán lẻ trực tuyến: là việc mua bán hàng hóa, dịch vụ qua internet và các kênh điện tử khác đến người tiêu dùng và cá nhân, hộ gia đình. Mọi sự trao đổi, mua bán thông qua bưu điện, qua catalog, bán qua điện thoại, bán hàng bằng máy bán hàng tự động và bán lẻ tận nhà.
– Theo các hình thức sở hữu:
- Cửa hàng bán lẻ độc lập: do một cá nhân làm chủ và tự quản lý.
- Chuỗi tập đoàn: gồm nhiều cửa hàng bán thuộc cùng một chủ sở hữu và kiểm soát bán những mặt hàng giống y như nhau, và việc mua bán có điều hành tập trung và có thể có kiểu kiến trúc cửa hiệu giống nhau. Việc đồng nhất này giúp làm nổi bật các cửa hàng đơn vị và giúp khách hàng dễ nhận ra. Nó có lợi thế trong việc bán với giá thấp hơn giá các cửa hàng độc lập, vì vậy có thể tiêu thụ với khối lượng lớn hàng hoá.
- Hơp tác xã bán lẻ, hợp tác xã tiêu thụ: Hợp tác xã bán lẻ gồm một số các nhà bán lẻ độc lập liên kết lại và thành lập một tổ chức thu mua có tính chất tập trung và điều hành các công việc bán hàng, quảng cáo thống nhất. Những người cư trú chung trong một cộng đồng có thể lập một hợp tác xã tiêu thụ khi nhận thấy kinh doanh có lời hoặc do sự cung cấp hàng một cách nghèo nàn, kém phẩm chất của những hiệu bán lẻ ở địa phương. Những người dân góp tiền lại để mở ra cửa hàng riêng của họ và biểu quyết về các đường lối hoạt động cũng như lựa chọn các quản trị viên. Cửa hàng dựa trên mức mua hàng để chia lời.
- Các đại lý độc quyền kinh tiêu là những liên kết theo hợp đồng giữa bên chủ quyền (nhà sản xuất, nhà bán buôn hay tổ chức dịch vụ) và bên nhận quyền (các nhà bán lẻ) muốn mua quyền sở hữu và quyền kinh doanh sản phẩm./.
[1] Giáo trình Marketing căn bản – Nhà xuất bản đại học Kinh tế quốc dân 2006.