Mối quan hệ kết nối giữa “Sứ mệnh doanh nghiệp” và “Bộ quy tắc ứng xử của doanh nghiệp với người tiêu dùng”

    Sứ mệnh của doanh nghiệp (trong tiếng anh được được dịch là cooperative mission), được xem là kim chỉ nan, đóng vai trò cốt lõi trong quá trình xây dựng và triển khai chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

Sứ mệnh là gì?

    Sứ mệnh là giá trị của doanh nghiệp mang lại cho khách hàng và xã hội. Hay nói cách khách, sứ mệnh còn được xem là các mục tiêu mà doanh nghiệp hướng tới, thông qua việc đạt được mục tiêu, doanh nghiệp tạo ra giá trị cho khách hàng, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp.

    Tại Việt Nam, các doanh nghiệp đã hình thành văn hóa tuyên bố sứ mệnh kinh doanh, để khẳng định giá trị của doanh nghiệp cũng như mục tiêu doanh nghiệp hướng tới. Một số tập đoàn kinh tế lớn còn nỗ lực truyền tải sứ mệnh tới cộng đồng, như một lời cam kết đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ quy tắc ứng xử là một trong các công cụ giúp doanh nghiệp hoàn thành sứ mệnh đã đề ra

    Để hoàn thành sứ mệnh đã đề ra, doanh nghiệp sử dụng nhiều chính sách, giải pháp trong kinh doanh, trong đó không thể không đề cập tới bộ quy tắc ứng xử.

    Bộ quy tắc ứng xử là tập hợp các quy định điều chỉnh hành vi của cá nhân và các phòng ban của doanh nghiệp theo như mục tiêu, tôn chỉ và sứ mệnh doanh nghiệp đã đề ra.

    Thông qua bộ quy tắc, doanh nghiệp truyền tải sứ mệnh của doanh nghiệp tới nhân viên, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về ý nghĩa công việc đang đảm nhận, cũng như trách nhiệm của cá nhân đối với tổ chức và cộng đồng. Khi đó, nhân viên không chỉ nỗ lực làm việc dựa trên nhiệm vụ đã được giao, mà còn hướng tới “sứ mệnh” vì tổ chức, từ đó đóng góp vào quá trình phát triển của doanh nghiệp.

    Hơn thế nữa, bộ quy tắc còn được xem như công cụ giúp doanh nghiệp định hướng hành vi của nhân viên, phòng ban trong doanh nghiệp khi giao tiếp với các đối tác bên ngoài, bao gồm: khách hàng, người tiêu dùng. Khi thấm nhuần sứ mệnh doanh nghiệp, nhân viên và các phòng ban sẽ hành xử theo như các quy định đã đặt ra trong quy tắc ứng xử. Mặt khác, nhân viên cũng không thực hiện hành vi vi phạm với quy định pháp luật nói chung, Bộ quy tắc ứng xử nói riêng. Từ đó, hoạt động kinh doanh được triển khai một cách đồng bộ, hướng tới các mục tiêu đã đề ra trong “sứ mệnh” của doanh nghiệp.

    Một ví dụ điển hình để hình dung mối quan hệ giữa sứ mệnh và bộ quy tắc ứng xử là Vinamilk Việt Nam.

    Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) tuyên bố sứ mệnh doanh nghiệp trên trang điện tử là “Vinamilk cam kết mang đến cho cộng đồng nguồn dinh dưỡng và chất lượng cao cấp hàng đầu bằng chính sự trân trọng, tình yêu và trách nhiệm cao của mình với cuộc sống con người và xã hội”.

    Với sứ mệnh đã đề ra, Vinamilk đặt ra các giá trị mà doanh nghiệp mang lại: chính trực, tôn trọng, công bằng, đạo đức và tuân thủ. Trong đó, giá trị tuân thủ mà Vinamilk cam kết được thực hiện thông qua tuân thủ Luật pháp cũng như tuân thủ Bộ Quy Tắc Ứng Xử và các quy chế, chính sách, quy định của Công ty. Ngược trở lại, Bộ quy tắc ứng xử được Vinamilk xây dựng dựa trên triết lý kinh doanh, đảm bảo lợi ích với nhân viên và các đối tác bên ngoài (cơ quan nhà nước, nhà cung cấp, cổ đông, khách hàng, người tiêu dùng). Đồng thời, để đạt được mục tiêu đã đề ra hiệu quả, Bộ quy tắc cũng có những hướng dẫn cho nhân viên, phòng ban thực hiện trên thực tiễn.

    Với sứ mệnh mang đến cho cộng đồng nguồn dinh dưỡng tốt nhất, chất lượng nhất, Vinamilk xây dựng nguyên tắc tiêu chuẩn cao nhất cho sản phẩm. Chính nguyên tắc này là ngọn đuốc soi đường cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm mục tiêu đưa sản phẩm tốt nhất tới người tiêu dùng cuối cùng.

    Đồng thời, sứ mệnh đảm bảo sự an toàn của sản phẩm của Vinamilk được thực hiện với tinh thần trân trọng, tin yêu, Vinamilk còn thiết lập nguyên tắc trung thực trong Quảng cáo, đảm bảo thông tin đúng sự thật về sản phẩm doanh nghiệp cung cấp.

    Dựa trên các nguyên tắc đó, Vinamilk bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng niềm tin yêu của người tiêu dùng đối với sản phẩm Vinamilk.