Thực tiễn áp dụng “Bộ quy tắc ứng xử của doanh nghiệp” trong công tác bảo vệ người tiêu dùng tại Hoa Kỳ và bài học cho Việt Nam

    Tại Hoa Kỳ, Bộ Quy tắc ứng xử (hay còn gọi Quy tắc đạo đức) đầu tiên do bác sĩ Thomas Percial ban hành và áp dụng trong lĩnh vực y tế vào đầu thế kỷ 19. Thời gian sau đó, bộ quy tắc nhanh chóng được xã hội quan tâm và áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.

    Năm 1964, 40% các tập đoàn kinh tế hàng đầu Hoa Kỳ ban hành các bộ quy tắc hoặc các chính sách triết lý kinh doanh. Tuy nhiên, tới năm 1987, số lượng tập đoàn thực hiện chính sách này lên tới 87%.

    Bên cạnh đó, trong cuộc khảo sát với 4.000 lãnh đạo cao cấp của doanh nghiệp đang kinh doanh tại Hoa Kỳ về quy tắc ứng xử, 97% đối tượng tham gia cho rằng doanh nghiệp nên xây dựng bộ quy tắc ứng xử và đưa ra các chính sách để nhân viên nghiêm túc thực hiện chính sách đã đề ra.

    Sự phổ biến của Bộ Quy tắc ứng xử/Quy tắc đạo đức trong hoạt động kinh doanh tại Hoa Kỳ một phần bắt nguồn từ cách nhìn nhận của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tài phán Hoa Kỳ. Theo đó, đạo đức trong kinh doanh không còn là khái niệm được khuyến nghị tới doanh nghiệp mà dần trở thành tiêu chuẩn bắt buộc tại một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định. Các văn bản pháp lý (Luật Sarbanes-Oxley năm 2002, các quy định về giao dịch chứng khoán, các bản hướng dẫn hình phạt của Ủy ban các hình thức xử phạt Hoa Kỳ,…) thể hiện góc nhìn của người hoạch định chính sách: doanh nghiệp phải tuân thủ tiêu chuẩn đạo đức mà xã hội công nhận và các tiêu chuẩn đó phải trở thành công cụ điều chỉnh hoạt động nội bộ của công ty.

    Bên cạnh đó, theo Hướng dẫn hình thức xử phạt liên ban áp dụng đối với tổ chức (FSGO), một trong những yếu tố đánh giá tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ khi xác định mức xử phạt hình sự là quá trình tuân thủ pháp luật tại nội bộ doanh nghiệp. Đồng thời, Ủy ban các hình thức xử phạt Hoa Kỳ hướng dẫn doanh nghiệp cách thức quản trị nội bộ nhằm tuân thủ pháp luật, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật như sau:

  • Hoạt động kinh doanh được thực hiện theo giám sát nhân sự cấp cao,
  • Ủy quyền thực hiện việc kinh doanh của công ty dựa trên cấp bậc của nhân viên,
  • Thực hiện truyền tải thông tin hiệu quả tới mọi nhân viên,
  • Xây dựng quy trình tuân thủ pháp luật và thực hiện nhất quán,
  • Xây dựng hệ thống giám sát, xây dựng kênh ghi nhận thông sai phạm và xử phạt,
  • Xây dựng chính sách ứng phó và ngăn chặn hành vi vi phạm.

    Do vậy, doanh nghiệp nhận thấy sự cần thiết của việc áp dụng Quy tắc ứng xử để chứng minh với cơ quan nhà nước có thẩm quyền việc tuân thủ pháp luật tại nội bộ doanh nghiệp. Với ý nghĩa đó, tại thời điểm hiện nay, Quy tắc ứng xử được sử dụng rộng rãi trong môi trường kinh doanh Hoa Kỳ.  

  1. Nội dung cơ bản của Bộ Quy tắc ứng xử tại doanh nghiệp Hoa Kỳ

    Với mục đích như trên, Quy tắc ứng xử tại Hoa Kỳ được tập trung vào các nhóm nội dung chính như sau:

  • Quy định điều chỉnh hành vi của nhân viên, bao gồm hành vi được phép thực hiện và không được phép thực hiện;
  • Quy định nhằm nâng cao nhận thức của nhân viên về giá trị của doanh nghiệp cũng như tuân thủ pháp luật, bao gồm: đào tạo, đánh giá và xử phạt;
  • Quy định giám sát và ngăn chặn hành vi vi phạm.

    Tất cả các nhóm quy định này đều hướng tới mục tiêu đảm bảo tính hiệu quả trong việc phổ biến thông tin từ cấp lãnh đạo xuống tới mọi cấp nhân viên. Khi thông tin được truyền tải hiệu quả, doanh nghiệp sẽ hạn chế được rủi ro vi phạm pháp luật do nhân viên “không hiểu ý chỉ đạo, chính sách chung của doanh nghiệp”.

  1. Vai trò bộ quy tắc ứng xử trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

    Dưới góc độ quản trị kinh doanh, bộ quy tắc được xem như là công cụ giúp doanh nghiệp điều chỉnh hành vi của mọi thành viên trong nội bộ, từ đó giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, giảm thiểu rủi ro pháp lý, tổn thất tài chính do thực hiện hành vi vi phạm.

    Trong khi đó, dưới góc độ xã hội, bộ quy tắc có ý nghĩa trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua việc giảm nguy cơ thực hiện hành vi sai lệch đối với người tiêu dùng tại doanh nghiệp.

    Hành vi sai lệch được hiểu là hành vi trái với tiêu chuẩn đạo đức mà xã hội đã công nhận. Hành vi sai lệch có thể chưa vi phạm pháp luật, nhưng khi được thực hiện thì bị xã hội chỉ trích, lên án. Một số hành vi sai lệch tổn hại trực tiếp tới người tiêu dùng như cung cấp thông tin không đủ tới người tiêu dùng, quấy rối người tiêu dùng, cung cấp hàng hóa không đảm bảo chất lượng như đã quảng cáo,… Các hành vi sai lệch này làm tổn hại tới lợi ích của nhiều đối tượng, trong đó bao gồm người tiêu dùng.

    Trung tâm đạo đức kinh doanh quốc gia của Hoa Kỳ đã khẳng định doanh nghiệp có đạo đức kinh doanh tốt thì tỷ lệ thực hiện hành vi sai lệch thấp hơn nhóm doanh nghiệp có văn hóa kinh doanh kém hoặc trung bình. Tỷ lệ hành vi sai lệch do doanh nghiệp có đạo đức kinh doanh tốt thực hiện chỉ chiếm là 4%, trong khi đó, tỷ lệ này lên tới 12% và 18% đối với doanh nghiệp có mức độ trung bình và yếu.

    Bên cạnh đó, tại doanh nghiệp có đạo đức kinh doanh tốt, tỷ lệ hành vi sai lệch chỉ thực hiện một lần và không bị lặp lại trong tương lai lên tới 60%. Điều này có nghĩa, doanh nghiệp có đạo đức kinh doanh cao sử dụng hiệu quả Bộ Quy tắc ứng xử để phát hiện, ngăn chặn các hành vi sai lệch. Đối với nhóm doanh nghiệp có nhận thức đạo đức chỉ ở mức thấp và trung bình thì hành vi sai lệch được thực hiện lặp lại nhiều lần. Tỷ lệ này lần lượt là 82% và 35%.

    Trong khi đó, mức độ đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào tính hiệu quả của việc áp dụng Quy tắc ứng xử/Quy tắc kinh doanh. Như vậy, doanh nghiệp sở hữu và áp dụng Quy tắc ứng xử hiệu quả, thì giảm thiểu nguy cơ thực hiện hành vi sai lệch, từ đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

  1. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

    Dựa trên thực tiễn áp dụng Bộ Quy tắc ứng xử trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một số kinh nghiệm nên áp dụng vào Việt Nam như sau:

    Thứ nhất, quy tắc ứng xử đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng văn hóa kinh doanh cùng với nâng cao đạo đức kinh doanh tại doanh nghiệp. Đạo đức kinh doanh cao làm giảm nguy cơ thực hiện hành vi sai lệch trái với tiêu chuẩn xã hội, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Do vậy, quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ không chỉ dựa trên quy định pháp luật mà còn ở các quy tắc đạo đức đã được thiết lập tại doanh nghiệp. Với ý nghĩa đó, doanh nghiệp tại Việt Nam được khuyến nghị xây dựng và áp dụng rộng rãi Bộ Quy tắc ứng xử trong kinh doanh, từ đó đảm bảo lợi ích người tiêu dùng và giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

    Thứ hai, cơ quan nhà nước nên xây dựng cơ chế xem xét Quy tắc ứng xử như một yếu tố cam kết của doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật nói chung, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói riêng. Yếu tố cam kết này sẽ được xem như một phần trong quá trình xem xét tính tăng nặng, giảm nhẹ khi xác định mức phạt trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện hành vi vi phạm. Khi đó, Bộ Quy tắc ứng xử mặc dù không là nghĩa vụ bắt buộc theo quy định pháp luật nhưng sẽ được sử dụng và áp dụng rộng rãi trong quản trị kinh doanh tại Việt Nam.

 

Bài viết trên có sự tham khảo tại các tài liệu sau:

  1. https://www.ussc.gov/guidelines/organizational-guidelines
  2. Trung tâm đạo đức kinh doanh Hoa Kỳ, 2013, Khảo sát đạo đức kinh doanh Hoa Kỳ.
  3. Ethics Resource Center, 2003, Creating a Workable Company Code of Ethics.