Một số biểu hiện cụ thể vi phạm trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng của cơ sở bán lẻ

Vi phạm quy định về nhãn hàng hóa

Nhãn hiệu hàng hóa là một trong những dấu hiệu giúp người tiêu dùng có thể nhận biết được nguồn gốc xuất xứ và loại sản phẩm được bày bán, lưu hành trên thị trường. Do vậy, pháp luật cũng đã đưa ra những quy định rõ ràng về cách thức gắn nhãn mác sản phẩm đối với từng đối tượng cụ thể tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP.

Theo đó, trường hợp không thể thể hiện tất cả nội dung bắt buộc trên nhãn thì các nội dung: Tên hàng hóa; Tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Xuất xứ hàng hóa… phải được ghi trên nhãn. Những nội dung bắt buộc khác phải được ghi trong tài liệu kèm theo và trên nhãn hàng hóa phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó. Ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hóa, những nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn phải được ghi bằng tiếng Việt (trừ một số quy định khác). Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Đây là một vi phạm không hiếm gặp, thực tế nhiều siêu thị bày bán hàng chục loại rau quả, bánh kẹo… không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm quy định về nhãn mác. Thậm chí, nhiều sản phẩm của một đơn vị sản xuất khác được sang bao, đóng gói nhưng lại gắn nhãn mác của siêu thị và không đề hạn sử dụng. Ngay tại Hà Nội, một số siêu thị có sự “mập mờ” về hạn sử dụng của một số thực phẩm chín, hay các loại thực phẩm ăn liền như: cá basa, cá kho, cá thác lác, gà quay… khi trên tem của siêu thị chỉ ghi ngày đóng gói, còn ô đề ngày hết hạn thì bỏ trống. Hay với một số loại thực phẩm rau quả, nhiều loại không ghi tên đơn vị cung cấp mà chỉ đề trọng lượng, giá cả, xuất xứ Việt Nam. Có những siêu thị sửa chữa nhãn đối với hàng hóa nhập khẩu, làm sai lệch thông tin về hàng hóa; ghi nhãn hàng hóa không đủ nội dung theo quy định (thiếu hạn sử dụng, nơi sản xuất), ghi lập lờ về nguồn gốc xuất xứ… Hay như các mặt hàng đồ chơi trẻ em thường chỉ có tên sản phẩm trên bao bì mà không in xuất xứ rõ ràng tên, địa chỉ nơi chịu trách nhiệm về chất lượng đồ chơi. Nếu sản xuất trong nước thì sản phẩm phải đề thông tin công ty sản xuất; nếu là hàng nhập khẩu thì ghi thông tin nhà nhập khẩu. Các hàng hóa vi phạm về nhãn mác thường là thực phẩm nhập khẩu, đồ chơi, hàng gia dụng xuất xứ Trung Quốc, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là hàng hóa xuất xứ từ nước khác dẫn đến việc mua hàng.

Vi phạm liên quan đến hoạt động quảng cáo, khuyến mại chứa đựng thông tin sai lệch về hàng hóa và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng

Về mặt pháp luật, quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố là hành vi bị cấm trong quảng cáo (khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012).

Trên thực tế, nhiều chủ thể kinh doanh vì mục đích lợi nhuận mà thực hiện những hành vi quảng cáo gian dối, không đúng với sự thật vốn có của cửa hàng mà doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất ra nó. Bên cạnh đó, các hoạt động khuyến mại không trung thực, không rõ ràng cũng là hình thức phổ biến mà một số siêu thị đang áp dụng để làm cho khách hàng hiểu nhầm về hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại, từ đó dụ dỗ, lôi kéo người tiêu dùng quyết định mua sản phẩm, hàng hóa. Đây là hành vi tác động trực tiếp lên đặc tính của hàng hóa, dịch vụ mà chủ yếu là chất lượng, giá cả.

Ví dụ, doanh nghiệp khuyến mại hàng kém chất lượng, hàng hóa tồn kho nhưng thông tin khuyến mại làm người mua hiểu nhầm là khuyến mại những mặt hàng mới, chất lượng tốt; hoặc nâng giá bán mặt hàng khuyến mại lên cao sau đó giảm giá tương ứng với sự tăng lên đó,… là những “chiêu trò” dễ thấy tại các cơ sở bán lẻ. Những hành vi này khiến cho khách hàng hiểu không đúng về những thông tin của sản phẩm dẫn tới quyết định mua hàng không chính xác, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác; không có sự cảnh báo về khả năng gây mất an toàn của sản phẩm, hàng hóa

Một số sản phẩm khi sử dụng phải tuân thủ một số nguyên tắc mà nhà sản xuất, kinh doanh cần có sự cảnh báo cho người tiêu dùng. Ví dụ, theo quy định, đối với mặt hàng đồ chơi trẻ em, trên bao bì cần ghi rõ lứa tuổi phù hợp với đồ chơi, hướng dẫn sử dụng, các cảnh báo đặc thù đối với loại đồ chơi đó và có dấu chứng nhận hợp quy (CR), các sản phẩm phải được in hoặc dán tem CR lên bao bì[1].

Tuy nhiên, việc một số cơ sở bán hàng không hướng dẫn cách sử dụng hoặc bảo quản sản phẩm, hàng hóa cho người tiêu dùng khi mua sản phẩm vẫn diễn ra khá phổ biến. Hậu quả là người mua hàng không biết cách bảo quản hàng hóa hoặc sử dụng sai mục đích ảnh hưởng đến sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng./.


[1] (Bộ Khoa học & Công nghệ, 2017, Thông tư số 05/ VBHN-BKHCN: Quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.)