Không đảm bảo chất lượng hàng hóa – vấn đề nhức nhối trong kinh doanh bán lẻ

Theo Báo cáo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD) về tình hình tiếp nhận, giải quyết đơn, thư phản ánh, yêu cầu, kiến nghị của người tiêu dùng năm 2021 cho thấy, tổng số lượng các vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng đã giảm khoảng 12% so với năm 2020.

Tuy nhiên, xét riêng trong lĩnh vực bán lẻ, năm 2021 đã phát sinh nhiều hơn các khiếu nại, kiến nghị của người tiêu dùng so với các năm trước đó do các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập đông người nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến sự gián đoạn của nhiều ngành sản xuất, kinh doanh và sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ.

Hình minh họa: Phân bổ yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng theo nhóm hành vi vi phạm phổ biến trong lĩnh vực bán lẻ


Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của Cục CT&BVNTD

Xét theo nội dung phản ánh, yêu cầu, kiến nghị của người tiêu dùng, nhóm hành vi vi phạm phổ biến nhất trong lĩnh vực bán lẻ bao gồm Vi phạm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ; Vi phạm trách nhiệm bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện và Vi phạm về trách nhiệm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng.

Cụ thể, theo số liệu thống kê ở hình trên, khoảng 20% số lượng đơn, thư được tiếp nhận và giải quyết tại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng trong năm 2021 có nội dung liên quan đến các vi phạm quy định về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa; trong khi đó, các vi phạm về trách nhiệm bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện cũng tăng hơn 5% so với năm 2020. Đáng nói hơn là sự phát sinh về những vi phạm liên quan đến hàng hóa thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn trong năm 2021, khi những năm trước đó chỉ ghi nhận những khiếu nại, kiến nghị của người tiêu dùng tập trung chủ yếu ở nhóm hàng hóa tiêu dùng thường ngày và điện tử gia dụng trong lĩnh vực bán lẻ.

Theo đó, năm 2021, có đến 44,3% số lượng đơn, thư phản ánh, yêu cầu, kiến nghị của người tiêu dùng có liên quan đến các nội dung sau: chất lượng hàng hóa thấp hoặc có dấu hiệu bị làm nhái, làm giả hoặc kinh doanh không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Các hành vi vi phạm này chủ yếu xảy ra ở các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn có nhiều hồ sơ chất lượng không đáp ứng điều kiện quy định an toàn thực phẩm được cấp bởi cơ quan chức năng; hoặc các mặt hàng mỹ phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không đáp ứng điều kiện, yêu cầu về giấy tờ thủ tục đưa vào kinh doanh trong siêu thị.

Vi phạm liên quan đến các điều kiện đưa hàng hóa vào kinh doanh tại cơ sở bán lẻ

Do chịu sự quản lý của ba ngành: công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn và y tế nên với mỗi loại hàng hóa cụ thể, trước khi được đưa vào kinh doanh trong siêu thị, nhà cung cấp cần tiến hành những thủ tục theo quy định pháp luật để đáp ứng đầy đủ yêu cầu gắt gao về các loại giấy phép, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.[1] Ví dụ, đối với các hàng hóa nhập khẩu nước ngoài, cá nhân, tổ chức kinh doanh cần đáp ứng được điều kiện được quy định tại Nghị định 187/2013/NĐ-CP như sau: (1) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân muốn xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép của Bộ, ngành liên quan, (2) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải bảo đảm các quy định liên quan về kiểm dịch, an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, phải chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền trước khi thông quan.

Bên cạnh việc kiểm tra đầy đủ hồ sơ chứng nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, siêu thị còn phải cử nhân viên kiểm tra tình hình thực tế, từ khâu nuôi trồng, quy trình sản xuất đến khâu chế biến thực phẩm của doanh nghiệp. Không chỉ vậy, định kỳ hằng tháng, hằng quý, phòng quản lý chất lượng của hệ thống siêu thị sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra các chỉ tiêu về kháng sinh, dinh dưỡng, dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại, hóa lý, vi sinh… do Bộ Y tế đề ra.

Mặc dù quy trình để đưa hàng hóa vào kinh doanh trong siêu thị đã được pháp luật đề ra rất nghiêm ngặt và chặt chẽ như vậy, song những hành vi vi phạm các quy định trên vẫn liên tục diễn ra tại nhiều cơ sở bán lẻ, đặc biệt phổ biến ở các mặt hàng thực phẩm hay mỹ phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Cụ thể, nhiều hàng hóa nhập khẩu là thực phẩm không có sự cấp phép của Cục vệ sinh an toàn thực phẩm, hoặc không có hồ sơ công bố chất lượng theo quyết định của Bộ Y tế trước khi đưa vào kinh doanh; hay các mặt hàng mỹ phẩm nhập khẩu không xuất trình được tờ khai hải quan, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy chứng nhận đạt chất lượng nhập khẩu của Bộ Y tế khi các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra.

Thực tế cho thấy có hàng nghìn mặt hàng được đưa vào kinh doanh tại các cơ sở bán lẻ, vậy nên rất khó để đảm bảo các cá nhân, tổ chức kinh doanh này có thể giám sát đầy đủ các đơn vị, từng mặt hàng và từ khâu nuôi trồng hay tiến hành kiểm tra, xét nghiệm mà chỉ chủ yếu kiểm tra chất lượng sản phẩm dựa trên hồ sơ công bố tiêu chuẩn, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm mà nhà sản xuất cung cấp. Thậm chí, khâu kiểm tra thực tế quá trình nuôi trồng, chế biến và đóng gói sản phẩm còn bị nhiều siêu thị bị bỏ qua. Chính sự thiếu trách nhiệm này đã tạo nhiều lỗ hổng, tiếp tay cho các nhà cung cấp lợi dụng tuồn hàng kém chất lượng vào siêu thị.

Vi phạm liên quan đến hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Hiện nay, bên cạnh các loại hàng hóa có thương hiệu, đạt chất lượng thì vẫn còn tiểm ẩn những hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm… Đặc biệt, ở những đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng hóa ngoại nhập không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ vẫn tiếp tục diễn ra và có chiều hướng diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm lễ, tết khi nhu cầu tiêu dùng hóa của người dân tăng thì hoạt động buôn lậu lại càng trở nên sôi nổi. Các mặt hàng thường được tiêu thụ nhiều nhất là: rượu, quần áo, giày dép, điện thoại di động, hàng điện tử, mỹ phẩm,…. Ngoài ra, hầu hết những mặt hàng thực phẩm, thuốc chữa bệnh của các hãng sản xuất uy tín, có thương hiệu, được nhiều người ưa chuộng có nguy cơ cao bị làm giả, làm nhái trên thị trường. Thêm vào đó, một số sản phẩm hàng hoá được sản xuất từ các làng nghề, hộ gia đình bằng phương pháp thủ công, truyền thống, không theo quy trình chuẩn nên sản phẩm làm ra vô tình trở thành hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; thậm chí một số sản phẩm được gắn nhãn các thương hiệu nổi tiếng và trở thành hàng giả nhãn hiệu. Những loại hàng này thường có giá rẻ và do một số tiểu thương hám lợi nên đã trà trộn để bán lẫn với những mặt hàng tốt nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc có những biểu hiện như đa dạng về mẫu mã, “linh động” về giá cả và đặc biệt nguy hiểm hơn là còn phong phú cả về chủng loại. Sự nguy hiểm thể hiện ở chỗ, bên cạnh việc gây thiệt hại về kinh tế, nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng, thậm chí nhiều trường hợp còn gây nguy hiểm cho tính mạng của chính người sử dụng.

Tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc vẫn phổ biến và diễn biến phức tạp cả về quy mô, lĩnh vực lẫn phương thức sản xuất, tổ chức tiêu thụ và nhập khẩu từ bên ngoài. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xuất hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc trong thời gian qua là do siêu lợi nhuận thu được từ việc sản xuất, buôn bán những mặt hàng này.

Bên cạnh một số người mua lầm phải hàng giả do khó phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả thì vẫn có không ít người tiêu dùng biết mình đang mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng vẫn chấp nhận bởi loại hàng hóa này phù hợp với túi tiền của họ. Với cách nghĩ như vậy, nhiều người đã gián tiếp tiếp tay cho hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc trong việc phân phối và tiêu thụ để rồi ngày càng chiếm thị phần trên thị trường.

Vì vậy, vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể coi là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ khiến ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa./.


[1] (Nguyễn Thanh Hiếu, 2015, Pháp luật Việt Nam vệ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực kinh doanh siêu thị.)