Phát triển mô hình điểm bán đa tiện ích và cửa hàng nhượng quyền – định hướng kinh doanh mới của ông lớn WinCommerce trong ngành bán lẻ

WinCommerce của Tập đoàn Masan, đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ WinMart/WinMart+ đang nắm trong tay mạng lưới hơn 3.000 siêu thị WinMart và WinMart+.

Trong năm 2022, WinCommerce đã tái cấu trúc thành công toàn bộ chuỗi bán lẻ WinMart/WinMart+ và hoàn tất chuyển đổi thương hiệu trong tháng 4. Để hiện thực hoá mục tiêu mở rộng các điểm bán lẻ, trong năm nay WinCommerce sẽ mở mới hơn 700 cửa hàng WinMart+ và hơn 20 siêu thị, đại siêu thị WinMart.

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Tổng Giám đốc phụ trách chuỗi WinMart+ cho biết WinCommerce đang tập trung vào phát triển mô hình điểm bán đa tiện ích và cửa hàng nhượng quyền. “Các cửa hàng tích hợp đa tiện ích sẽ tối ưu hóa thời gian, mang lại sự tiện lợi tối đa cho khách hàng, trong khi mô hình nhượng quyền sẽ là phương thức để thương hiệu WinMart+ gần gũi và hiện hữu nhiều hơn trong đời sống của người tiêu dùng Việt”, ông Quý nói.

Ảnh minh họa: WinMart/WinMart+ tăng cường khuyến mại, tung nhãn hàng riêng giá tốt hỗ trợ người tiêu dùng trong giai đoạn bão giá.

Trọng điểm của hoạt động kinh doanh của WinCommerce chính là tăng tốc xây dựng chuỗi cửa hàng đa tiện ích, đa trải nghiệm; đáp ứng hầu hết các nhu cầu về nhu yếu phẩm, tài chính, giải trí của người tiêu dùng chỉ tại một địa điểm; từ đó tạo nên sức bật lớn cho Masan trong giai đoạn tăng tốc của thị trường bán lẻ.

Bên cạnh bán hàng thực phẩm, bách hóa, siêu thị mini WinMart+ đã tích hợp thêm các dịch vụ tài chính, trà cà phê, viễn thông, dược phẩm. Từ giữa năm 2021, hàng loạt tiện ích như kiosk Phúc Long, Reddi, kiosk dược phẩm, tiện ích tài chính của Techcombank đã dược đưa vào bên trong các cửa hàng WinMart+. Hiện các cửa hàng tích hợp thử nghiệm này đang ghi nhận doanh thu bình quân tăng 30%.

Ngoài ra, để hỗ trợ các cửa hàng mở mới tăng khả năng thành công, đạt điểm hòa vốn nhanh hơn, Masan đã mua 25% cổ phần của Trusting Social, một công ty công nghệ chuyên phát triển AI, Machine Learning trong lĩnh vực tiêu dùng, tài chính cá nhân với khoản đầu tư 65 triệu USD. Việc đẩy mạnh các giải pháp số, mang đến trải nghiệm mua sắm tiện lợi hơn cho người tiêu dùng đang là “át chủ bài” của WinCommerce và Masan trong thị trường đang cạnh tranh khốc liệt hiện nay, đồng thời góp phần hướng tới mục tiêu doanh thu một năm là 7- 8 tỷ USD, chiếm 50% thị phần bán lẻ Việt Nam.

Ảnh minh họa: WinCommerce ra mắt thương hiệu độc quyền Beng’s giá tốt so với các sản phẩm cùng phân khúc trên thị trường

WinCommerce luôn duy trì tỷ lệ hàng hóa nội địa hơn 90%, đồng thời thiết lập quy trình kiểm soát chất lượng, đảm bảo các sản phẩm tại chuỗi WinMart/WinMart+ luôn có chất lượng, giá cả hợp lý. Trong giai đoạn “bão giá”, nhà bán lẻ này đẩy mạnh các mặt hàng nhãn riêng như: WinMart Good (thực phẩm khô); WinMart Cook (thực phẩm chế biến); WinMart Home (đồ gia dụng); WinMart Care (chăm sóc cá nhân). “Tất cả các nhóm sản phẩm này hiện có giá thành rẻ hơn 10 – 20% so với các sản phẩm cùng phân khúc trên thị trường”, đại diện WinCommerce cho biết.

Đặc biệt, WinCommerce gần đây còn cho ra mắt nhãn hiệu Beng’s – chuyên về các loại thực phẩm tiện lợi, chất lượng tốt với giá thành bình dân, hướng đến mục tiêu cung cấp đa dạng lựa chọn về sản phẩm và mức giá, để mọi khách hàng có thể thoải mái chọn lựa theo nhu cầu và thị hiếu riêng của mình.

Ngoài các nhãn hàng riêng phân khúc giá bình dân, WinCommerce cũng phát triển các nhãn hàng thực phẩm chất lượng cao với giá thành cạnh tranh như rau sạch tiêu chuẩn Nhật Bản WinEco; gạo Ngọc Nương, trứng gà và các sản phẩm O’lala; thịt mát tiêu chuẩn châu Âu MeatDeli.

Ảnh minh họa: Trứng và các sản phẩm thương hiệu O’lala độc quyền tại WinMart/WinMart+

Loạt hoạt động mở rộng cả về chiều sâu lẫn chiều rộng của WinCommerce được coi là phù hợp với dự báo 2022 là một năm bùng nổ của ngành bán lẻ, khi nền kinh tế phục hồi sau Covid-19 trên diện rộng. Thế hệ người tiêu dùng trẻ đang sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn, thông qua các kênh mua sắm tiện lợi và đơn giản. Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng thương mại điện tử và siêu thị mini là hai mô hình mang lại lợi nhuận tối ưu cho các doanh nghiệp bán lẻ.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.717 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng cao ấn tượng nhất so với cùng kỳ 5 năm gần nhất. Số liệu của Tổng cục Thống kê và các nghiên cứu của Fitch cũng chỉ ra chi tiêu thực tế của hộ gia đình được dự báo sẽ tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2021./.