Quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư của người tiêu dùng

Điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định về việc bảo vệ thông tin cho người tiêu dùng, theo đó người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Trường hợp thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm: (a) Thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với người tiêu dùng về mục đích hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng; (b) Sử dụng thông tin phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng và phải được người tiêu dùng đồng ý; (c) Bảo đảm an toàn, chính xác, đầy đủ khi thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng; (d) Tự mình hoặc có biện pháp để người tiêu dùng cập nhật, điều chỉnh thông tin khi phát hiện thấy thông tin đó không chính xác; và (đ) Chỉ được chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Tuy nhiên, luật này không đưa ra khái niệm hay định nghĩa cụ thể nào về thông tin của người tiêu dùng. Khoản 13-14, Điều 3, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP có nêu: “Thông tin cá nhân là các thông tin góp phần định danh một cá nhân cụ thể, bao gồm tên, tuổi, địa chỉ nhà riêng, số điện thoại, thông tin y tế, số tài khoản, thông tin về các giao dịch thanh toán cá nhân và những thông tin khác mà cá nhân mong muốn giữ bí mật. Thông tin cá nhân trong Nghị định này không bao gồm thông tin liên hệ công việc và những thông tin mà cá nhân đã tự công bố trên các phương tiện truyền thông.” “Thu thập thông tin cá nhân là hoạt động thu thập để đưa vào một cơ sở dữ liệu bao gồm thông tin cá nhân của nhiều người tiêu dùng là khách hàng hoặc khách hàng tiềm năng của thương nhân, tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử.” Điều 68 tới Điều 73 của Nghi định này sau đó có quy định rõ thêm về việc bảo vệ thông tin cá nhân trong thương mại điện tử, như trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng (Điều 68), chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng (Điều 69), xin phép người tiêu dùng khi tiến hành thu thập thông tin (Điều 70), sử dụng thông tin cá nhân (Điều 71), bảo đảm an toàn an ninh thông tin cá nhân (Điều 72), và kiểm tra, cập nhật, điều chỉnh thông tin cá nhân (Điều 73). Đây là những bước đi đầu tiên đáng khích lệ trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, có thể thấy là định nghĩa về thông tin cá nhân cũng như hoạt động thu thập thông tin cá nhân còn khá hẹp, chưa bao trùm được tất cả các vấn đề có thể phát sinh trong bối cảnh nền kinh tế số. Khung pháp lý hiện thời cũng chưa có các quy định cụ thể về các hành vi xâm phạm quyền riêng tư của người tiêu dùng, chiếm dụng dữ liệu cá nhân hay lạm dụng dữ liệu cá nhân để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, cũng như chưa đưa ra chế tài xư lý thích hợp. Đây là một vấn đề lớn và theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới (như sẽ phân tích ở phần sau), xứng đáng được giải quyết tại một văn bản pháp luật riêng, độc lập và có hiệu lực pháp lý cao./.