Quy định về giao kết hợp đồng điện tử và các điều khoản không công bằng

Quan hệ hợp đồng là mối quan hệ phổ biến, là cơ sở pháp lý chủ yếu để các bên chủ thể thỏa thuận, thiết lập nên các quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia các giao dịch nhằm thỏa mãn nhu cầu cuộc sống hàng ngày cũng như các giao dịch kinh doanh-thương mại. Xã hội phát triển càng hiện đại thì sự đa dạng của các loại hợp đồng cũng ngày càng tăng lên. Và sự gia tăng không ngừng của các giao dịch thương mại điện tử cũng làm xuất hiện một loại hình hợp đồng mới là hợp đồng thương mại điện tử.

Điều 33 Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định: “Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật này.” Dựa vào quy định này, có thể hiểu hợp đồng thương mại điện tử là sự thỏa thuận giữa các bên trong đó có ít nhất một bên là thương nhân. Chủ thể còn lại là chủ thể có tư cách pháp lý nhằm xác lập hợp đồng dưới dạng thông điệp dữ liệu, bao gồm cả người tiêu dùng. Hợp đồng thương mại điện tử có các đặc điểm riêng là được thể hiện hoàn toàn dưới dạng thông điệp dữ liệu; và trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng, các bên không cần gặp trực tiếp mà thông qua các phương tiện điện tử. Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ cũng dành riêng một chương (từ Điều 9 đến Điều 23) để quy định về giao kết hợp đồng trong thương mại điện tử.

Điểm còn thiếu liên quan việc giao kết hợp đồng trực tuyến giữa thương nhân và người tiêu dùng trong thương mại điện tử, theo quan điểm của chúng tôi, là việc Việt Nam chưa có hợp đồng thương mại điện tử mẫu nên không bảo đảm sự thống nhất và cân bằng quyền lợi trong giao dịch thương mại điện tử.

Hiện nay, việc giao kết hợp đồng trực tuyến được tiến hành chủ yếu thông qua website của doanh nghiệp hoặc sàn giao dịch thương mại điện tử của các nhà cung cấp nền tảng trung gian. Khác với thư điện tử trao đổi trực tiếp giữa hai bên, giao kết hợp đồng trên website có thể được thực hiện qua sự tương tác giữa khách hàng và chức năng đặt hàng trực tuyến của website hoặc thông qua những hợp đồng truyền thống được đưa lên website mà thông thường đây là những hợp đồng mẫu. Pháp luật hiện hành mới bao hàm quy định điều chỉnh về quy trình giao kết hợp đồng trên website thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến (qua Nghị định số 52/2013/NĐ-CP), mà chưa có quy định về nội dung hợp đồng mẫu, trong khi các giao dịch này đang phát triển ngày càng nhanh chóng và tự phát, khiến cho người tiêu dùng gặp nhiều bất lợi. Trong môi trường thương mại điện tử, các hợp đồng mẫu thường là hợp đồng sử dụng dịch vụ ngân hàng, hợp đồng đặt phòng khách sạn, hợp đồng mua bán hàng hóa, v.v.

Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản rập khuôn do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đơn phương soạn thảo để giao dịch với nhiều người tiêu dùng. Nội dung của hợp đồng đã được người bán chuẩn bị sẵn; người tiêu dùng chỉ có mỗi quyền tuyên bố chấp nhận hay không chấp nhận, chứ không có cơ hội thảo luận, thương lượng về từng điều khoản của hợp đồng.

Các hợp đồng mẫu chính là điển hình của sự bất cân xứng về thông tin, bất cân xứng về khả năng thương lượng. Người bán bao giờ cũng biết rõ hơn người mua những thông tin về hàng hóa, dịch vụ do mình cung cấp, do vậy, họ thường soạn hợp đồng với nhiều điều khoản dài dòng không rõ ràng, không bình đẳng, dồn phần bất lợi cho người mua như bỏ qua những quy định về quyền của người mua khi giao kết hợp đồng; lờ đi hoặc giảm nhẹ những nghĩa vụ của người bán, chẳng hạn như người bán được miễn trừ hoặc rút ngắn thời hạn chịu ràng buộc vào trách nhiệm bảo đảm chất lượng hàng hóa hay nghĩa vụ bảo hành, sử dụng những thuật ngữ chuyên ngành trong các điều khoản hợp đồng mà không giải thích cho người tiêu dùng hiểu. người tiêu dùng chỉ tiếp xúc với hợp đồng khi họ cần mua một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nào đó. Mặt khác, khi giao kết hợp đồng, điều họ chú ý hơn cả là giá cả, các điều kiện khuyến mãi và thường bỏ qua các điều khoản khác. Hợp đồng càng cồng kềnh với nhiều điều khoản kỹ thuật phức tạp thì người tiêu dùng càng ít quan tâm và bỏ qua việc đọc hết nội dung hợp đồng. Chính điều này đã dẫn đến việc người tiêu dùng nhanh chóng nhấp vào nút đồng ý giao kết hợp đồng mà không hề biết rõ ràng những điều khoản của hợp đồng là gì và những hậu quả pháp lý nào mình phải chịu khi có rắc rối xảy ra. Do những bất cập này, nên cần thiết phải có một quy chế pháp lý điều chỉnh sao cho vừa không ảnh hưởng đến quá trình đi đến thỏa thuận trong giao kết hợp đồng thương mại điện tử, vừa bảo vệ được quyền lợi cho người tiêu dùng, cân bằng quyền và lợi ích của các bên. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tuy đã có đưa ra một số quy định về hợp đồng mẫu và điều kiện giao dịch chung nhưng dường như chỉ mới điều chỉnh các hợp đồng mẫu giao kết theo phương thức truyền thống mà chưa tính đến hợp đồng điện tử./.