Trong nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp luôn phải cạnh tranh để giành lấy thị phần và khách hàng. Câu nói “Khách hàng là thượng đế” lâu nay vẫn được sử dụng để nói về vai trò và tính chất quyết định của khách hàng, người tiêu dùng đối với sự sống còn và phồn vinh của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp kinh doanh từ tâm, biết lấy người tiêu dùng làm gốc sẽ luôn được xã hội mong chờ và đón nhận, từ đó, gặt hái được trái ngọt.
Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng được xây dựng trong khuôn khổ Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025 của Bộ Công Thương rõ ràng không phải là “đích đến”, mà là một công cụ để nếu một doanh nghiệp muốn thành công bền vững phải áp dụng thường xuyên trong quá trình kinh doanh của mình để hiện thực hóa triết lý kinh doanh “vì người tiêu dùng” và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng là chương trình, trong đó doanh nghiệp đăng ký tham gia sẽ tự đánh giá việc tuân thủ pháp luật và các quy tắc đạo đức ứng xử đối với người tiêu dùng của doanh nghiệp mình, từ đó, hoàn thiện để nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng.
Doanh nghiệp đăng ký tham gia Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng năm 2021 sẽ được:
– Tự đánh giá và nhận kết quả tự đánh giá việc đáp ứng Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực bán hàng trực tiếp thông qua các hệ thống trang thông tin điện tử và ứng dụng của Chương trình;
– Được hỗ trợ khảo sát hiện trạng đáp ứng các tiêu chí trong Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng trong lĩnh vực bán hàng trực tiếp tại doanh nghiệp;
– Được tư vấn hoàn thiện chính sách, các quy trình, thủ tục nội bộ của doanh nghiệp để đáp ứng tốt hơn các tiêu chí trong Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng, từ đó, thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tăng trưởng bền vững, chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.
Nói cách khác, việc tự đánh giá và khảo sát hiện trạng đáp ứng Bộ tiêu chí Doanh nghiệp vì người tiêu dùng tại doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp định vị được mình đang ở đâu trên bản đồ tuân thủ pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy tắc, chuẩn mực đạo đức ứng xử với người tiêu dùng đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà mình đang hoạt động. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ nhận ra được những thiếu sót, hạn chế để hoàn thiện chính sách, chiến lược và hoạt động kinh doanh nhằm vươn tới đích đến thành công và phát triển bền vững./.