Bảo mật thông tin người tiêu dùng trong lĩnh vực bán hàng trực tiếp tại Việt Nam

    Trong thời kỳ dịch bệnh Covid – 19, các biện pháp giãn cách cũng như hạn chế di chuyển đã làm cho người tiêu dùng có xu hướng mua sắm trực tiếp nhiều hơn. Song song với những ưu điểm mà hình thức bán hàng trực tiếp mang lại thì cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm phạm tới quyền lợi người tiêu dùng. Một trong những vấn đề đang được cơ quan quản bảo vệ người tiêu dùng quan tâm là “bảo mật thông tin người tiêu dùng trong lĩnh vực bán hàng trực tiếp”.

    Khi mua hàng hóa/dịch vụ trực tiếp thì việc cung cấp thông tin cá nhân như là một phần bắt buộc để thực hiện giao dịch. Thông tin không chỉ dừng lại ở tên, tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp mà còn cả số tài khoản ngân hàng, thẻ thanh toán và các thông tin liên quan đến giao dịch đã thực hiện.

    Thông tin nêu trên có giá trị thương mại đối với các doanh nghiệp, vì thông qua các trường thông tin, doanh nghiệp có thể xác định được danh tính khách hàng cụ thể, định vị được đối tượng khách hàng và từ đó thực hiện các hoạt động quảng cáo, tiếp thị đối với khách hàng đó. Đây là lý do tại sao trên các trang mạng, hoạt động “mua bán dữ liệu khách hàng” được rất nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh quan tâm, cũng như tìm cách tiếp cận.

Báo động bảo mật thông tin cá nhân tại Việt Nam

    Khi sử dụng công cụ tìm kiếm Google với từ khóa “mua bán dữ liệu khách hàng” thì có thể xuất hiện hàng loạt webstie rao bán với đa dạng gói mua dữ liệu với các mức giá khác nhau.

    Trong thời gian vừa qua, Cục CT&BVNTD đã liên tục đăng tải các tin cảnh báo thủ đoạn lừa đảo tới người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng như mua hàng trực tiếp. Người tiêu dùng thường xuyên nhận được các thông tin chứa đựng yếu tố lừa đảo thông qua email, điện thoại, website giả mạo, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội,… Khi thực hiện theo nội dung hướng dẫn tại email hay điện thoại nêu trên, người tiêu dùng có thể bị mất tiền trong tài khoản hoặc bị đánh cắp các tài khoản mạng xã hội. Một trong những nguyên nhân của vấn đề trên là do thông tin cá nhân của người tiêu dùng đã bị rò rỉ trên mạng.

    Như vậy, vấn đề đặt ra liệu rằng khi mua bán thông qua phương thức trực tiếp, đặc biệt thông qua các nền tảng trực tuyến như sàn thương mại điện tử, thông tin của người tiêu dùng có được bảo mật hiệu quả? Thông tin người dùng có trở thành sản phẩm mua bán như đã nói ở trên? Người bán hàng cũng như các sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm như thế nào trong việc bảo mật thông tin người tiêu dùng?

Thực trạng bảo mật thông tin của người tiêu dùng của doanh nghiệp bán hàng trực tiếp

    Thông qua rà soát, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bán hàng trực tiếp có nhận thức cao về vấn đề bảo mật thông tin của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp chủ động xây dựng chính sách bảo mật thông tin khách hàng hoặc chính sách bảo mật thông tin thanh toán. Nội dung chính sách bảo mật thường tập trung các nội dung chính như quy định chi tiết thông tin thu thập từ khách hàng, cách thức sử dụng thông tin và cam kết bảo mật với khách hàng.

    Amway Việt Nam công bố chính sách bảo mật thanh toán trên website chính thức của doanh nghiệp như sau: “Chính sách bảo mật thanh toán của Amway quy định về phương thức thu thập, lưu trữ, sử dụng và bảo vệ thông tin thanh toán của bạn. Việc thanh toán của bạn sẽ được thực hiện thông qua đối tác Cổng thanh toán trực tuyến của Amway – một tổ chức được cấp phép và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam”.  Đồng thời, người tiêu dùng phản ánh, khiếu nại liên quan đến bảo mật thanh toán theo số điện thoại 1800 1700.

    Unicity Việt Nam cũng thực hiện công bố chính sách bảo mật thông tin khách hàng, với các nội dung chính như mục đích, phạm vi thông tin thu thập, thời gian lưu giữ thông tin, phạm vi sử dụng thông tin và cam kết bảo mật thông tin của khách hàng.

    “Không sử dụng, không chuyển giao, cung cấp hay tiết lộ cho bên thứ ba nào về thông tin cá nhân của Khách hàng khi không có sự cho phép hoặc đồng ý từ Khách hàng, trừ những trường hợp pháp luật có quy định khác.

    Bảo mật tuyệt đối mọi thông tin giao dịch trực tuyến của Khách hàng bao gồm thông tin hóa đơn, chứng từ kế toán số hóa tại khu vực dữ liệu trung tâm an toàn cấp 1 của Unicitylife”.

    Đối với hình thức bán hàng trực tiếp tại các trang thương mại điện tử, cả doanh nghiệp bán hàng trực tiếp và sàn giao dịch thương mại điện tử cũng đồng thời xây dựng chính sách bảo mật thông tin của khách hàng.

    Công ty bán hàng đa cấp Nuskin Việt Nam có kênh phân phối hàng hóa thông qua sàn thương mại điện tử Tiki. Để bảo mật thông tin người tiêu dùng, Nuskin và Tiki đều công bố, công khai chính sách bảo mật như lời cam kết với người tiêu dùng.

    Công ty Nuskin cam kết phạm vi sử dụng thông tin khách hàng như sau: “cung cấp các dịch vụ đến khách hàng; gửi các thông báo về hoạt động trao đổi giữa khách hàng và sàn thương mại điện tử;…; sàn thương mại điện tử có trách nhiệm hợp tác cung cấp thông tin khách hàng khi có yêu cầu từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”

    Tiki cũng đăng tải công khai cam kết bảo mật thông tin khách hàng như sau: “Công ty cổ phần Ti Ki, tôn trọng quyền riêng tư của khách hàng và cam kết bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng khi khách hàng tin vào chúng tôi cung cấp thông tin cá nhân của khách hàng cho chúng tôi khi mua sắm tại sàn giao dịch thương mại điện tử tiki.vn. Đây là nguyên tắc khi tiếp cận quyền riêng tư, thông tin cá nhân tại sàn giao dịch thương mại điện tử tiki.vn.”

    Vấn đề đặt ra rằng thông tin khách hàng có bị rò rỉ bởi nhà phân phối/tư vấn viên của doanh nghiệp bán hàng trực tiếp hay không là vấn đề còn bỏ ngỏ, cần có sự theo dõi và giám sát sát sao từ nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền.