Cung cấp bằng chứng giao dịch tới người tiêu dùng trong bán hàng trực tiếp

    Bằng chứng giao dịch giữa người bán và người mua là hình thức ghi nhận giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ khi người tiêu dùng mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó.

    Bằng chứng giao dịch có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Bởi lẽ, các bằng chứng giao dịch đó là chứng cứ xác nhận giao dịch đã được thiết lập. Dựa trên bằng chứng giao dịch, người tiêu dùng có thể khiếu nại hoặc khởi kiện người bán nếu có hành vi xâm phạm tới quyền lợi của họ theo pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, các bằng chứng giao dịch còn là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Quy định pháp lý liên quan đến việc cung cấp bằng chứng giao dịch cho người tiêu dùng

    Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định người tiêu dùng có quyền được cung cấp bằng chứng giao dịch, cụ thể như sau:

Điều 8. Quyền của người tiêu dùng

  1. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.”

    Đồng thời, cung cấp bằng chứng giao dịch tới người tiêu dùng là một trong các trách nhiệm của doanh nghiệp quy định tại Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Điều 20. Trách nhiệm cung cấp bằng chứng giao dịch

  1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dùng hóa đơn hoặc chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của người tiêu dùng.
  2. Trường hợp giao dịch bằng phương tiện điện tử thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm tạo điều kiện cho người tiêu dùng truy nhập, tải, lưu giữ và in hóa đơn, chứng từ, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này.”

    Bằng chứng giao dịch là các tài liệu chứng minh sự tồn tại của giao dịch, có thể là hợp đồng thiết lập giữa hai bên và/hoặc hóa đơn, chứng từ do người bán cung cấp cho người mua.

   Đối với hóa đơn, chứng từ, Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 về hóa đơn, chứng từ quy định về hóa đơn, hóa đơn điện tử và nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn như sau:

Điều 3.1. Hóa đơn là chứng từ kế toán do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Hóa đơn được thể hiện theo hình thức hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn do cơ quan thuế đặt in.

Điều 3.2. Hóa đơn điện tử là hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập bằng phương tiện điện tử để ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về thuế, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế….

Điều 4.1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.”

Trách nhiệm của doanh nghiệp bán hàng trực tiếp liên quan đến cung cấp bằng chứng giao dịch cho người tiêu dùng

    Dựa trên quy định pháp lý nêu trên, doanh nghiệp phải thực hiện các trách nhiệm liên quan đến việc cung cấp bằng chứng giao dịch cho người tiêu dùng như sau:

  • Cung cấp cho người tiêu dùng hợp đồng, hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của người tiêu dùng.
  • Tạo điều kiện cho người tiêu dùng truy nhập, tải, lưu giữ và in hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch.

    Trách nhiệm nêu trên được áp dụng đối với mọi loại hình tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong đó bao gồm cả doanh nghiệp kinh doanh tại lĩnh vực bán hàng trực tiếp.

    Mặc dù, phương thức kinh doanh trong lĩnh vực bán hàng trực tiếp có góc độ khác biệt với các cách thức kinh doanh thông thường nhưng doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo đầy đủ trách nhiệm liên quan đến cung cấp bằng chứng giao dịch cho người tiêu dùng.

    Trong phương thức bán hàng đa cấp (một loại hình bán hàng trực tiếp), người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa thông qua mạng lưới nhà phân phối. Quy trình nội bộ từng doanh nghiệp quyết định phương thức nhận hàng của người tiêu dùng thông qua chi nhánh, văn phòng hay nhận hàng thông qua nhà phân phối. Ngoài ra, trong phương thức bán hàng trực tiếp thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, giao dịch được thiết lập giữa người bán và người mua mà hai bên không trực tiếp gặp nhau và thậm chí có khoảng cách địa lý xa nhau, việc cung cấp chứng từ giao dịch có liên quan đến nghĩa vụ sàn giao dịch thương mại điện tử.

    Với sự đặc thù nêu trên, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, Nghị định 91/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đã quy định chi tiết trách nhiệm của doanh nghiệp, bên thứ ba trong việc cung cấp bằng chứng giao dịch tới khách hàng trong trường hợp bán hàng từ xa, bán hàng qua điện thoại, bán hàng tận cửa.

    Ví dụ, khi thực hiện bán hàng tận cửa, hợp đồng phải được lập thành văn bản và giao cho người tiêu dùng một bản (khoản 2 Điều 19 Nghị định 91/2011/NĐ-CP).

    Hay trong trường hợp bán hàng qua điện thoại, người bán phải cung cấp từ đầu về tên, địa chỉ của mình và mục đích của cuộc đàm thoại. Đây được xem là một trong các yếu tố để xem xét tính có hiệu lực của giao dịch giữa người bán và người mua. Trong trường hợp, người bán không cung cấp đầy đủ thông tin như trên, trong thời hạn mười (10) ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng người tiêu dùng có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết và thông báo cho tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Những lưu ý đối với người tiêu dùng khi mua hàng theo phương thức bán hàng trực tiếp

    Người tiêu dùng cần luôn nhớ rằng bằng chứng giao dịch (hóa đơn, hợp đồng) là các chứng cứ để người tiêu dùng đảm bảo quyền lợi của mình kể cả những chính sách sau bán hàng. Do vậy, khi mua sắm theo phương thức bán hàng trực tiếp, người tiêu dùng được khuyến nghị những vấn đề sau:

   Thứ nhất, yêu cầu người bán cung cấp đầy đủ tài liệu kèm theo hàng hóa (hợp đồng, hóa đơn, hướng dẫn sử dụng, phiếu bảo hành, phiếu đổi trả hàng). Trong trường hợp người bán là nhà phân phối của các công ty bán hàng đa cấp thì người mua có quyền yêu cầu nhà phân phối tạo điều kiện kết nối với công ty để được cung cấp các chứng từ nêu trên.

    Thứ hai, lưu giữ bằng chứng giao dịch (hóa đơn, hợp đồng) và các tài liệu liên quan đến hàng hóa (phiếu bảo hành, phiếu đổi trả hàng) trong suốt vòng đời sản phẩm, hoặc ít nhất là hết thời hạn bảo hành hoặc hợp đồng hết hạn.

    Thứ ba, trong trường hợp người bán hàng không cung cấp đầy đủ bằng chứng giao dịch như hóa đơn, hợp đồng, kể cả tài liệu liên quan đến hàng hóa (phiếu bảo hành), người tiêu dùng có thể phản ánh/khiếu nại tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng trực tiếp hiểu và thực hiện trách nhiệm cung cấp bằng chứng giao dịch cho người tiêu dùng

    Được biết, nằm trong khuôn khổ Đề án “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng giai đoạn 2021 – 2025”, lĩnh vực bán hàng trực tiếp được lựa chọn là lĩnh vực trọng tâm để xây dựng Bộ tiêu chí “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”.

    Bộ tiêu chí là thước đo chuẩn mực cho doanh nghiệp bán hàng trực tiếp soi chiếu trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bộ tiêu chí tập hợp các nghĩa vụ mà doanh nghiệp cần thực hiện đối với người tiêu dùng theo quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có nghĩa vụ cung cấp bằng chứng giao dịch.

    Dựa trên các tiêu chí, doanh nghiệp có thể tự đánh giá hoạt động cung cấp bằng chứng giao dịch tới người tiêu dùng đã phù hợp với quy định pháp luật hay chưa, từ đó có thể điều chỉnh hoạt động kinh doanh nhằm tuân thủ pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại doanh nghiệp.