Làm thế nào để tránh quảng cáo khuếch đại, nói quá về công dụng sản phẩm khi bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng?

    Trong hoạt động kinh doanh, thương mại, để lôi kéo khách hàng bất chính, một trong các chiêu thức phổ biến mà một số tổ chức, cá nhân kinh doanh thường hay sử dụng đó là quảng cáo khuếch đại, nói quá về công dụng sản phẩm hoặc giới thiệu, quảng cáo không đúng, gây nhẫm lẫn cho người tiêu dùng.

    Đối với hoạt động quảng cáo thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nội dung quảng cáo thường được kiểm soát khá chặt chẽ thông qua nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý ràng buộc không chỉ đối với tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ mà còn đối với cả các đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ quảng cáo, chẳng hạn như báo, đài phát thanh, đài truyền hình… nhằm tránh lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

    Tuy nhiên, trong hoạt động bán hàng trực tiếp, việc tiếp thị, quảng cáo sản phẩm tới người tiêu dùng chủ yếu được thực hiện thông qua mạng lưới người bán hàng trực tiếp, người bán hàng tận cửa hoặc người tham gia bán hàng đa cấp.

    Để ngăn ngừa, răn đe đối với các hành vi quảng cáo sai sự thật, quảng cáo khuếch đại, nói quá về sản phẩm, pháp luật đã có những quy định rõ ràng về trách nhiệm, nghĩa vụ hoặc các quy định cấm, chế tài xử lý vi phạm đối với những hành vi nêu trên. Cụ thể:

    Khoản 1 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định CẤM “tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung sau đây: a) Hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp; b) Uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; c) Nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.”

    Điểm e Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (Nghị định số 40/2018/NĐ-CP) quy định cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp “cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của doanh nghiệp thông qua báo cáo viên, đào tạo viên tại hội nghị, hội thảo, đào tạo hoặc thông qua tài liệu của doanh nghiệp”.

    Điểm b Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP quy định cấm người tham gia bán hàng đa cấp “cung cấp thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính năng, công dụng của hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp”.

    Như vậy, để tránh quảng cáo khuếch đại, nói quá về công dụng của sản phẩm, một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bán hàng trực tiếp, mà cụ thể hơn là doanh nghiệp bán hàng đa cấp cần phải:

  • Xây dựng và áp dụng chính sách tuân thủ pháp luật về bán hàng đa cấp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, pháp luật về quảng cáo tại doanh nghiệp;
  • Thực hiện đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp mình để đảm bảo họ có đầy đủ kiến thức pháp luật, có ý thức tuân thủ pháp luật khi giới thiệu, tiếp thị, quảng cáo sản phẩm cho người tiêu dùng;
  • Xây dựng và áp dụng các quy tắc hoạt động (được quy ước trong hợp đồng), trong đó ràng buộc trách nhiệm của người tham gia bán hàng đa cấp phải cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực, kịp thời cho người tiêu dùng;
  • Xây dựng và áp dụng quy tắc ứng xử của doanh nghiệp bán hàng đa cấp và người tham gia bán hàng đa cấp đối với người tiêu dùng;
  • Thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát để nhân viên, người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp tuân thủ các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng./.