Cung cấp thông tin cho người tiêu dùng trong lĩnh vực bán lẻ

Trước khi mua hàng hóa tại các cơ sở bán lẻ, người tiêu dùng có nhu cầu được biết các thông tin về hàng hóa đó. Thông tin về hàng hóa là những thông tin cụ thể như: nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, chất lượng, giá cả, thành phần, công dụng, hạn sử dụng, chế độ bảo hành, thông tin về cảnh báo, phòng ngừa rủi ro cho người tiêu dùng…Đây là những thông tin quan trọng mà người tiêu dùng cần tiếp cận khi mua hàng hóa tại cơ sở bán lẻ. Những thông tin này chỉ được thực hiện bởi các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa hoặc nhà sản xuất. Người tiêu dùng có thể tiếp cận thông tin về hàng hóa thông qua nhãn hàng hóa, hoạt động quảng cáo thương mại;… (Thực trạng pháp luật về trách nhiệm cung cấp thông tin hàng hóa, 2020)[1]

Quyền được thông tin của người tiêu dùng gắn liền với trách nhiệm của các nhà sản xuất hàng hóa, các nhà nhập khẩu, sản phẩm hàng hóa, tổ chức, cá nhân kinh doanh. Trách nhiệm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh do pháp luật quy định, phát sinh trong việc cung cấp thông tin hàng hóa cho người tiêu dùng. Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ đối với người tiêu dùng.

Nhìn từ góc độ thông tin của người tiêu dùng, quá trình bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ chính là quá trình thông tin cho người tiêu dùng về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Bên cạnh đó, người tiêu dùng có quyền tự do tìm kiếm thông tin cần thiết cho mình bằng bất cứ phương tiện nào hoặc bất cứ cách thức tiếp cận nào mà không bị cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào cản trở, không bị phân biệt đối xử và được Nhà nước bảo vệ với các phương thức, cách thức tìm kiếm hợp pháp. Quyết định mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng không chỉ dựa vào nguồn thông tin duy nhất từ phía nhà sản xuất, phân phối sản phẩm, cung ứng dịch vụ hoặc trực tiếp từ người bán hàng mà còn phụ thuộc vào nhiều nguồn thông tin khác mà người tiêu dùng phải tìm kiếm như nguồn thông tin từ các cơ quan quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý dược,…các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nguồn thông tin từ bạn bè, người thân…Thực tế, công tác thông tin cho người tiêu dùng chưa được coi trọng, thể hiện ở chất lượng thông tin chưa chính xác, thông tin cung cấp không rõ ràng, không đầy đủ, dẽ gây nhầm lẫn, hiểu nhầm, đáng chú ý, có nhiều quảng cáo gần đây thường có dấu hiệu sai phạm như: thiếu tên, địa chỉ liên hệ của người bán; hình ảnh minh hóa, tên gọi của sản phẩm dễ gây nhầm lẫn với hàng hóa khác; thông tin về chất lượng hàng háo thường thổi phồng so với sự thật; giá niêm yết một đằng nhưng thực tế lại cao hơn nhiều lần; thông tin ghi trên nhãn hiệu cũng thiếu rõ ràng, các kết quả kiểm nghiệm không đưa kèm tài liệu hoặc dẫn giải nguồn gốc; hướng dẫn chưa đầy đủ về cách thức sử dụng, bảo quản, bảo hành./.


[1] Lê Thị Hải Ngọc, Phạm Lê Ngọc Hoàng, Thực trạng pháp luật về trách nhiệm cung cấp thông tin sản phẩm hàng hóa của tổ chức, cá nhân kinh doanh và một số giải pháp hoàn thiện, 2020