Tại Singapore, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lần đầu tiên được ban hành vào năm 2003. Năm 2009, quy định liên quan đến việc hủy bỏ hợp đồng của người tiêu dùng được bổ sung và có hiệu lực vào tháng 9 năm 2009.
Các văn bản pháp lý trên trở thành văn bản pháp lý bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và người tiêu dùng khi mua sắm theo phương thức trực tiếp nói riêng.
Bài viết này sẽ phân tích khía cạnh thời gian hoàn trả sản phẩm/hủy bỏ hợp đồng đối với người tiêu dùng khi giao dịch theo phương thức bán hàng trực tiếp tại Singapore.
I. CÁC KHÁI NIỆM TRONG PHÁP LUẬT BTNTD SINGAPORE
Định nghĩa người tiêu dùng
Người tiêu dùng là cá nhân (i) nhận hoặc có quyền nhận hàng hóa, dịch vụ từ nhà cung cấp hoặc; (ii) có nghĩa vụ pháp lý trong việc thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ cho nhà cung cấp nhằm cung cấp hàng hóa, dịch vụ đó cho cá nhân tiêu dùng khác.
Định nghĩa giao dịch theo góc độ pháp luật bảo vệ người tiêu dùng
Giao dịch của người tiêu dùng hay còn được gọi là giao dịch tiêu dùng có nghĩa là:
– Việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp cho người tiêu dùng được phát sinh từ hoạt động mua sắm, thuê, quà tặng, giải thưởng hoặc các giao dịch khác; hoặc;
– Thỏa thuận giữa nhà cung cấp và người tiêu dùng, được phát sinh từ hoạt động mua sắm, thuê, quà tặng, giải thưởng hoặc các thỏa thuận khác, trong đó nhà cung cấp phải cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng hoặc cho một người tiêu dùng khác được quy định trong thỏa thuận.
Định nghĩa hàng hóa
Hàng hóa có nghĩa là:
- Bất kỳ tài sản mang tính chất cá nhân nào, dù hữu hình hay vô hình, bao gồm: (i) tài sản cá nhân được liên kết hoặc dự định liên kết vào tài sản thực vào thời điểm giao hàng hoặc sau khi giao hàng; (ii) các sản phẩm tài chính và tín dụng, bao gồm tín dụng được mở rộng chỉ dành cho bảo đảm đất đai;
- Bất động sản;
- Thẻ voucher.
Định nghĩa dịch vụ
Dịch vụ bao gồm:
- Dịch vụ được cung cấp liên quan đến việc bổ sung, bảo trì, sửa chữa hoặc thay đổi hàng hóa hoặc bất kỳ bất động sản nào;
- Tư cách thành viên trong bất kỳ câu lạc bộ hoặc tổ chức nào nếu câu lạc bộ hoặc tổ chức đó là một doanh nghiệp được thành lập để hoạt động nhằm lợi ích kinh tế;
- Quyền sử dụng chỗ ở theo hợp đồng chia sẻ thời gian (time share contract);
- Dịch vụ tài chính.
Tình huống gặp gỡ không sắp xếp trước (unsolicited visit)
Tình huống gặp gỡ không sắp xếp trước được hiểu là một chuyến gặp gỡ hoặc muốn chuyến ghé thăm của một nhà cung cấp, không kể nhà cung cấp đó đã ký kết hợp đồng với người tiêu dùng hay chưa ; và chuyến gặp gỡ này không được thực hiển bởi yêu cầu của người tiêu dùng.
Hợp đồng bán hàng trực tiếp (direct sale contract)
Hợp đồng bán hàng trực tiếp có nghĩa là một giao dịch tiêu dùng được ký kết vào những thời điểm như sau:
(a) Trong tình huống gặp gỡ không sắp xếp trước (unsolicited visit) của nhà cung cấp tới các địa điểm như sau: (i) nơi cư trú của người tiêu dùng; (ii) nơi cư trú của cá nhân khác; hoặc (iii) địa điểm kinh doanh của người tiêu dùng;
(b) Trong tình huống gặp gỡ được sắp xếp của nhà cung cấp đến bất kỳ địa điểm nào đã được quy định tại điểm a theo yêu cầu rõ ràng của người tiêu dùng, và (i) hàng hóa, dịch vụ không phải là hàng hóa, dịch vụ đã được thỏa thuận, ký kết giữa người tiêu dùng và nhà cung cấp; (ii) người tiêu dùng không biết, hoặc không thể biết một cách hợp lý, việc cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ đã hình thành nên một phần hoạt động kinh doanh của nhà cung cấp;
(c) Sau khi người tiêu dùng đưa ra đề nghị liên quan đến việc nhà cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ cung cấp trong các trường hợp nêu tại điểm (a) hoặc (b).
Như vậy, hợp đồng bán hàng trực tiếp được định nghĩa là hợp đồng tiêu dùng được ký kết trong tình huống ghé thăm không sắp xếp trước (unsolicited visit) ở các địa điểm không phải là địa điểm kinh doanh của người bán. Hơn thế nữa, hợp đồng bán hàng trực tiếp được pháp luật Singapore tiếp cận ở góc độ người tiêu dùng không có sự nhận biết đầy đủ trước thời điểm gặp gỡ, hình thành giao dịch. Từ sự tiếp cận này sẽ dẫn đến các quy định liên quan đến lợi ích cũng như quyền của người tiêu dùng khi lựa chọn mua sắm theo phương thức trực tiếp.
II. QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG
Các quyền lợi của người tiêu dùng Singapore bao gồm:
- Được sửa chữa, thay thế và hoàn tiền sản phẩm khuyết tật,
- Hủy bỏ hợp đồng mua hàng trực tiếp và các hợp đồng thương mại khác và
- Khởi kiện hành vi không lành mạnh. Việc thiết kế riêng điều khoản về quyền hủy bỏ hợp đồng bán hàng trực tiếp chứng tỏ sự quan tâm của cơ quan có thẩm quyền với vấn đề nêu trên.
Việc thiết kế điều khoản riêng biệt về hủy bỏ hợp đồng mua hàng trực tiếp thể hiện sự quan tâm, chú trọng của cơ quan thực thi đối với quyền lợi người tiêu dùng khi mua hàng trực tiếp tại Singapore.
III. QUY ĐỊNH THỜI GIAN HỦY BỎ HỢP ĐỒNG MÀ KHÔNG CẦN ĐƯA RA LÝ DO CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG
Thời gian hủy bỏ hợp đồng
Người tiêu dùng có quyền hủy bỏ hợp đồng bán hàng trực tiếp và được hoàn lại toàn bộ số tiền mua hàng trong vòng 5 ngày kể từ thời điểm như sau:
- Thời điểm hợp đồng được ký kết;
- Thời điểm mà thông tin đến người tiêu dùng đủ để họ nhận thức nội dung hợp đồng nếu trước đó thông tin cung cấp tới người tiêu dùng không đầy đủ hoặc không đủ mức độ để người tiêu dùng nhận thức đầy đủ;
- Đối với hợp đồng nghỉ dưỡng dài hạn, thời điểm liên quan đến thông tin giảm giá, hoặc các lợi ích liên quan đến lưu trú, hoặc các kỹ thuật để truy cập thông tin được cung cấp cho người tiêu dùng, trong trường hợp các thông tin này chưa cung cấp cho người tiêu dùng trước đó, hoặc chưa được cung cấp tại thời điểm ký kết hợp đồng.
Ngoài ra, 5 ngày nêu trên không kể ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ.
Các trường hợp loại trừ quy định hủy bỏ hợp đồng trong 5 ngày nêu trên
Tuy nhiên, quy định hủy bỏ hợp đồng trong thời gian 5 ngày được loại trừ trong các trường hợp như sau:
- Cho thuê bất động sản;
- Hợp đồng cung cấp dịch vụ, hàng hóa nhằm mục đích kinh doanh;
- Hợp đồng mà giá trị giao dịch không vượt quá 50$
- Hợp đồng bán hàng trực tiếp tới người mua để thực hiện mục đích kinh doanh (nhà phân phối trong mạng lưới bán hàng trực tiếp);
- Hợp đồng bán hàng trực tiếp được hình thành bởi quá trình đàm phán giữa nhà cung cấp và người tiêu dùng được thực hiện nhằm các mục đích thương mại (thiếu cấu thành tiêu dùng tại hợp đồng).
- Hợp đồng bán hàng trực tiếp được hình thành tại buổi gặp gỡ giữa người tiêu dùng và nhà cung cấp theo ý định của người tiêu dùng hoặc người tiêu dùng nhận thức được rằng nhà cung cấp sẽ có mặt tại buổi gặp gỡ với mục đích cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
- Hợp đồng tài chính hoặc dịch vụ tài chính liên quan đến điều khoản hủy bỏ hợp đồng đã được quy định tại pháp luật chuyên ngành.
Các trường hợp không áp dụng hủy bỏ hợp đồng trong vòng 5 ngày
Người tiêu dùng không thể áp dụng quy định hủy bỏ hợp đồng trong vòng 5 ngày nêu trên khi hàng hóa, dịch vụ thuộc các trường hợp sau:
- Hàng hóa dễ hư hỏng như hoa quả, thực phẩm tươi sống;
- Hàng hóa mà trước khi người tiêu dùng hủy bỏ hợp đồng đã được tiêu thụ và không thể khắc phục được trở lại trạng thái ban đầu (bản chất khi người tiêu dùng sử dụng hàng hóa đã thay đổi hoàn toàn);
- Hàng hóa được cung cấp để đáp ứng trường hợp khẩn cấp (như khẩu trang trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19);
- Hàng hóa trước khi bị hủy bỏ đã được trồng vào đất hoặc không có trong hợp đồng.
Bài viết trên tham khảo các tài liệu sau:
https://singaporelegaladvice.com/law-articles/consumer-rights-singapore-recourse/
https://sso.agc.gov.sg/SL/CPFTA2003-S65-2009?DocDate=20161208#Sc2-
https://sso.agc.gov.sg/SL/CPFTA2003-S65-2009?DocDate=20161208#Sc2-.