Giải pháp giảm hàng nhái, hàng giả trong thương mại điện tử

Việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ ở Việt Nam mà còn diễn ra khắp nơi trên thế giới và cả trên những sàn TMĐT lớn… gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Thậm chí Jack Ma – Nhà sáng lập và điều hành tập đoàn Alibaba đã nhận định: vấn nạn hàng giả như là căn bệnh “ung thư” của các website TMĐT.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra gần 3.000 vụ liên quan đến hàng giả, ra quyết định xử phạt gần 30 tỷ đồng. Hệ lụy của tình trạng này là gây thiệt hại đầu tiên cho chính người tiêu dùng.

Sự bùng nổ của thương mại điện tử kéo theo vấn nạn hàng giả, hàng nhái

Theo Bộ Công Thương, tại Việt Nam, thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Năm 2022, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam ước tính tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Số lượng người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến là trên 54,6 triệu người, giá trị mua sắm trực tuyến của một người đạt gần 270 USD/năm. 6 tháng đầu năm 2023, doanh số thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Kéo theo sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử tại Việt Nam, thì tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được bán tràn lan trên mạng internet, trên các nền tảng giao dịch trực tuyến đang là những tiêu cực của thị trường. Các nền tảng mạng xã hội và các sàn giao dịch thương mại điện tử là kênh để tiêu thụ chính hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.Có thể nói, người tiêu dùng rất khó để phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng giả.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) trong năm 2022, các bộ, ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ, xử lý 139.758 vụ việc vi phạm (tăng 1,17% so với cùng kỳ năm 2021).

Chỉ trong 6 tháng đầu năm lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra gần 3.000 vụ liên quan đến hàng giả, ra quyết định xử phạt gần 30 tỷ đồng.

Trước vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền, thì thiệt hại đầu tiên chính là người tiêu dùng. Bên cạnh đó, mức độ thiệt hại của doanh nghiệp cũng rất lớn. Cụ thể, đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thì hàng giả, hàng nhái làm ảnh hưởng, mất lòng tin của khách hàng. Việc hàng giả quá nhiều ở trong nội địa khiến các nhà đầu tư cảm thấy không yên tâm đối với môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Còn đối với các doanh nghiệp trong nước, thiệt hại về thương hiệu cũng rất lớn.

Cần có sự liên kết chặt chẽ để ngăn chặn

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương, việc quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều đơn vị quản lý ngành như quản lý thị trường, quản lý doanh nghiệp, quản lý thuế…

Đặc biệt, một hoạt động rất thiết thực nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, làm rõ và giúp người tiêu dùng hiểu hơn tác hại của vấn nạn này đến sự phát triển kinh tế của đất nước, đó là, bắt đầu từ cuối năm 2021, Tổng cục Quản lý thị trường đã đưa vào khai thác và sử dụng Phòng trưng bày hàng thật – hàng giả tại địa chỉ 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là nơi người tiêu dùng có thể đến tham quan, và được chuyên viên của Tổng cục Quản lý thị trường hướng dẫn, phân biệt dấu hiệu nhận diện các sản phẩm thật, sản phẩm vi phạm trên thị trường.

Trong lần mở cửa thứ 10 hưởng ứng Ngày Phòng chống hàng giả – hàng nhái (29/11) (diễn ra từ ngày 24-30/11/2023), đã có trên 600 sản phẩm thuộc 9 lĩnh vực, ngành hàng gồm: Hóa – mỹ phẩm; thời trang; giày dép; hàng gia dụng, tiêu dùng; văn phòng phẩm; đồ uống; dược phẩm và thiết bị y tế được Tổng cục Quản lý thị trường trưng bày và trực tiếp hướng dẫn người tiêu dùng cách thức nhận biết, phân biệt, đồng thời cung cấp các địa chỉ có thể mua các sản phẩm chính hãng tại Việt Nam.

Đặc biệt, điểm nhấn tại Phòng trưng bày lần này là nhóm 6 mặt hàng với trên 50 sản phẩm của các doanh nghiệp Nhật Bản được cung cấp bởi Cơ quan sáng chế Nhật Bản (JPO) trưng bày tại gian trung tâm của Phòng trưng bày thể hiện quyết tâm, sự phối hợp chặt chẽ giữa Việt Nam và Nhật Bản trong công tác đấu tranh chống hàng giả, giúp người tiêu dùng tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đối với các sản phẩm có xuất xứ từ Nhật Bản.

Thông qua Phòng trưng bày hàng thật – hàng giả, Tổng cục Quản lý thị trường mong muốn tạo ra kênh thông tin hữu ích giúp người tiêu dùng nhận diện hàng chính hãng để “tránh mua phải hàng giả”.

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, thì sự thông thái trong lựa chọn hàng hóa, kênh mua sắm sẽ giúp người tiêu dùng tránh được những thiệt hại đáng tiếc./.Nguồn tham khảo:Lê Vân, 2023, Nhức nhối vấn nạn hàng giả, hàng nhái, Tạp chí Kinh tế và Dự báo Online.