Người tiêu dùng số (digital consumer) là cách gọi tên đối với những người tiêu dùng sử dụng các công nghệ giao tiếp của thời đại số. Theo nghĩa hẹp, họ là những người sử dụng các thiết bị di động (điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay …) (Persaud and Azhar, 2012). Theo nghĩa rộng, họ là người tiêu dùng điện tử (e-consumer), tìm kiếm và mua sắm sản phẩm trên internet, tận dụng lợi thế của việc đăng tải nội dung trên mạng, nhận thức về bản thân và nhu cầu của họ, đồng thời, đơn giản hóa các quyết định mà họ cần thực hiện (Tarczydlo. 2016).
Có thể thấy sự hiện diện phổ quát của công nghệ số đã ăn sâu vào các khía cạnh của đời sống xã hội và kinh tế, làm thay đổi cách thức, hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Đồng thời, các công cụ số như mạng xã hội đã làm thay đổi cách thức giao tiếp và tạo kết nối trong xã hội hiện đai, do đó người tiêu dùng số trở nên năng động hơn, đòi hỏi nhiều thông tin về sản phẩm mà họ muốn mua và trở thành thành viên trong mạng lưới thế giới được phổ biến nhanh chóng mọi thông tin liên quan đến sản phẩm. Thông qua mạng xã hội, thái độ và hành vi của người tiêu dùng được thông báo, truyền tải, định hình một số xu thế/ trào lưu tiêu dùng; và chính bản thân người tiêu dùng cũng chịu ảnh hưởng tâm lý những quan điểm, xu thế tiêu dùng chung của xã hội.
Một số nghiên cứu về đặc điểm hành vi và thói quen của người tiêu dùng số cho thấy, mặc dù có một điểm chung là cách họ sử dụng công nghệ, người tiêu dùng số không phải là tập người tiêu dùng đồng nhất, sự khác biệt của họ là dựa trên đặc điểm nhân khẩu học và lối sống.
Website Consumerbarometer.com đã trình bày những phát hiện nghiên cứu do TNS thực hiện khảo sát qua Google’ request (2014/2015) với các đối tượng tại 51 quốc gia trên khắp thế giới sử dụng internet và đã phân chia người tiêu dùng số thành 4 nhóm: Những người ủng hộ thương hiệu (Brand advocates); Các bà mẹ số (Digital Moms); Người dùng quay video (How to video users); Thế hệ Y (Millennials) (những người sinh từ năm 1981 đên 1996). Thực tế hiện nay, đã xuất hiện thêm nhóm người tiêu dùng theo tiêu chí nhân khẩu học, đó là thế hệ Z/ Gen Z (những người sinh ra từ 1997 đến 2012), gắn liền với internet và mạng xã hội; và Gen Alpha (những người sinh ra từ 2013-2025) thế hệ đầu tiên lớn lên hoàn toàn trong thế giới của thời đại kỹ thuật số, với một số đặc điểm nổi trội: làm việc với công nghệ hiện đại, coi trọng các tương tác trực tuyến; có nhiều ý tưởng khởi nghiệp; chấp nhận sự thay đổi; coi trọng tính linh hoạt bền vững và tính cạnh tranh.
Ngoài ra, theo tiêu chí mức chi tiêu mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng số cũng được phân chia thành 06 dạng thuộc 03 phân khúc, bao gồm: chi tiêu mua sắm cao, trung bình và thấp. Việc sử dụng các tiêu chí phân loại khác nhau đối với người tiêu dùng số được sử dụng vào những mục đích phân tích, đánh giá khác nhau liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử, kinh tế số./.
Tài liệu tham khảo:
- Phạm Thúy Hồng, Lê Nhữ Diệu Hương, Nguyễn Thị Thùy Dương (2023), Người tiêu dùng số và thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính;
- Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương, Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam các năm từ 2017 đến 2023;
- Nguyễn Đại Lai (2020), Thanh toán không dùng tiên mặt tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính;
Jolanta Tkaczyk ( Kozminski University) (2016), Digital consumer: Trend and Challenges, The impact of the digital world on management and marketing, 353-367.