Kinh nghiệm và chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử của Canada

 Canada, có nhiều đạo luật, quy định và hướng dẫn cấp bang, vùng lãnh thổ và cấp liên bang quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với nhiều loại hàng hóa, dịch vụ và lĩnh vực công nghiệp khác nhau. Những luật lệ này đa dạng từ các quy định về bảo vệ người tiêu dùng chung với phạm vi áp dụng rộng rãi đến quy định về bảo vệ người tiêu dùng đặc thù áp dụng cho các hàng hóa, dịch vụ hoặc lĩnh vực công nghiệp cụ thể.

Các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chủ yếu được tìm thấy trong các đạo luật bảo vệ người tiêu dùng cấp bang và vùng lãnh thổ quy định về bảo vệ người tiêu dùng chung (“Đạo luật Bảo vệ người tiêu dùng”). Các Đạo luật này thường bao gồm các điều khoản liên quan đến đảm bảo chất lượng của hàng hóa và dịch vụ, đồng thời, cũng quy định các quy tắc cụ thể liên quan đến các sản phẩm, dịch vụ hoặc ngành công nghiệp cụ thể. Ở Quebec, nơi có hệ thống pháp luật dân sự, cũng có các quy định về đảm bảo chất lượng sản phẩm trong Bộ luật Dân sự của Quebec.

Một số Đạo luật Bảo vệ người tiêu dùng cấp bang cũng bao gồm các điều khoản quy định về “hành vi không công bằng”, bao gồm cấm biểu hiện thông tin sai lệch.

Về chất lượng sản phẩm, Đạo luật An toàn sản phẩm dành cho người tiêu dùng của Liên bang quy định các tiêu chuẩn chính mà nhiều loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng phải đáp ứng, mặc dù nhiều loại sản phẩm khác nhau cũng được quy định theo các đạo luật và quy định cụ thể khác.

Song song với việc thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng tại từng bang, chính phủ liên bang Canada cũng chịu trách nhiệm thực thi các quy định pháp luật liên bang về bảo vệ người tiêu dùng trong các lĩnh vực:

  • An toàn sản phẩm tiêu dùng;
  • An toàn thực phẩm;
  • Đóng gói và dán nhãn sản phẩm tiêu dùng;
  • Các hành vi phản cạnh tranh như thoả thuận ấn định giá và quảng cáo gây nhầm lẫn; và
  • Các khiếu nại về quyền riêng tư.[1] (11)

Việc bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT được tiến hành theo các nguyên tắc đưa ra trong Bộ Quy tắc về Bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT do Nhóm Công tác về TMĐT và người tiêu dùng thông qua vào tháng 8 năm 1999. Dù không được đặt thành luật, nhưng các quy tắc này có hiệu lực bảo vệ cho người tiêu dùng không hề kém hơn so với quy định của các luật chung, đặc biệt là các đạo luật điều chỉnh hành vi thương mại, sức khoẻ và an toàn, và việc bảo vệ thông tin cá nhân. Ba nguyên tắc chung được nêu bật bao gồm:

1.        Bảo vệ tương đương

Người tiêu dùng phải được hưởng sự bảo vệ không hề thua kém trong TMĐT so với các hình thái thương mại khác. Các quy định về bảo vệ người tiêu dùng phải được thiết kế để đạt được kết quả như nhau, bất kể hình thái thương mại liên quan.

2.        Hài hoà hoá

Chính phủ Canada sẽ điều chỉnh các đạo luật bảo vệ người tiêu dùng hiện có để áp dụng với TMĐT, và sẽ nỗ lực để hài hoà hoá các quy định của các bang khác nhau, sao cho không có bang nào phải hạ thấp các tiêu chuẩn của mình. 

3.        Tương thích với quốc tế

Khung pháp lý bảo vệ người tiêu dùng của Canada phải tương thích với các nguyên tắc về bảo vệ người tiêu dùng do các tổ chức quốc tế đặt ra, trong đó có Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế OECD, mà không được hạ thấp mức độ bảo vệ đối với người tiêu dùng theo các nguyên tắc trong bộ tài liệu này hoặc các đạo luật hiện có.

Ngoài ra, Bộ Quy tắc đưa ra 8 nguyên tắc được cụ thể hoá như sau:

  • người tiêu dùng phải được cung cấp thông tin rõ ràng và đầy đủ để có thể đưa ra một quyết định sáng suốt về việc mua sản phẩm hay phương cách để mua sản phẩm đó;
  • “Nhà cung cấp” phải có những biện pháp thích đáng để đảm bảo việc người tiêu dùng đồng ý giao kết hợp đồng là có ý chí chủ quan và trên cơ sở được thông tin đầy đủ;
  • Nhà cung cấp và “các bên trung gian” phải tôn trọng các nguyên tắc về quyền riêng tư trong Bộ Quy tắc Mẫu về Bảo vệ Thông tin Cá nhân của CSA International;
  • Nhà cung cấp và các bên trung gian phải có những biện pháp thích đáng để đảm bảo “các giao dịch” họ có liên quan tới là an toàn. người tiêu dùng có trách nhiệm hành động cẩn trọng khi thực hiện giao dịch;
  • người tiêu dùng phải được tiếp cận các phương tiện giải quyết vấn đề công bằng, kịp thời và hiệu quả cho bất kỳ giao dịch nào, với chi phí hợp lý;
  • người tiêu dùng phải được bảo vệ để không phải chịu các trách nhiệm thanh toán bất hợp lý trong các giao dịch;
  • Nhà cung cấp không được gửi các thư tín điện tử thương mại mà không có sự đồng thuận của người tiêu dùng, hoặc trừ phi giữa nhà cung cấp và người tiêu dùng đã có thiết lập quan hệ; và
  • Chính phủ, doanh nghiệp và các hội người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng để sử dụng TMĐT một cách an toàn.

Trong đó, “các bên trung gian” được định nghĩa là “các bên thứ ba tạo điều kiện cho giao dịch diễn ra, bao gồm cả bên lưu trữ thông tin”./.    


[1] Xem thêm thông tin tại <http://www.ic.gc.ca/eic/site/oca-bc.nsf/eng/ca03084.html>