Kinh nghiệm và chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử của Liên minh châu Âu

Mục tiêu xây dựng và bảo vệ thị trường chung nội khối của Liên minh châu Âu (EU) lần đầu tiên được khẳng định tại Điều 13 Đạo luật Thị trường Thống nhất Châu Âu năm 1987 (Single European Act of 1987), sau đó được luật hoá bởi Điều 114 Hiệp ước về Hoạt động của Liên minh Châu Âu (TFEU). Công tác bảo vệ người tiêu dùng được coi là một bộ phận không thể thiếu của việc duy trì và phát triển thị trường chung nội khối. Vì vậy, sau khi Uỷ ban Châu Âu công bố báo cáo đánh giá tác động của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng Châu Âu vào năm 2017, Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu đã lập tức tuyên bố sẽ đề xuất thông qua một văn kiện mang tên “Thoả thuận mới cho người tiêu dùng” vào năm 2018. Tới tháng 1 năm 2020, Sắc lệnh Châu Âu số 2019/2161 của Nghị viện Châu Âu và Hội đồng Châu Âu ngày 27/11/2019 sửa đổi Quy định về Bảo vệ người tiêu dùng theo hướng Hiện đại hoá và Nâng cao Hiệu quả Thực thi (sau đây gọi tắt là “Sắc lệnh”) chính thức có hiệu lực. Sắc lệnh này có hiệu lực sửa đổi, bổ sung các Sắc lệnh số 93/113/EEC về Điều khoản Hợp đồng Không Công bằng, số 98/6/EC về Thông tin về Giá, số 2005/29/EC về Hành vi Thương mại Không Công bằng, và số 2011/83/EU về Quyền của người tiêu dùng.

Các đổi mới đưa ra trong khuôn khổ Sắc lệnh này nhằm đáp ứng tốt hơn các quan ngại mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do sự phát triển của công nghệ số bao gồm:    

 1.   Việc xếp hạng các kết quả tìm kiếm trực tuyến của người tiêu dùng

Doanh nghiệp bị cấm không được “cung cấp các kết quả tìm kiếm cho người tiêu dùng mà không công bố rõ ràng các quảng cáo có trả tiền hoặc các khoản thanh toán nhằm mục tiêu cải thiện thứ bậc ưu tiên của sản phẩm trong các kết quả tìm kiếm” (Điều 3, đoạn 7(a)). Doanh nghiệp, trong trường hợp này là các nhà cung cấp dịch vụ/phần mềm tìm kiếm trực tuyến, có nghĩa vụ phải thông báo cho người tiêu dùng một cách rõ ràng về vấn đề này “dưới hình thức ngắn gọn, dễ truy cập và dễ hiểu”. người tiêu dùng phải được thông báo về những tiêu chí quyết định thứ hạng trong kết quả tìm kiếm cũng như tầm quan trọng của chúng.

Quy định này là nhằm tránh tình trạng các nhà cung cấp dịch vụ/phần mềm tìm kiếm trực tuyến tạo những ảnh hưởng sai lệch và thái quá đối với quá trình ra quyết định của người tiêu dùng bằng cách thay đổi thứ hạng trong kết quả tìm kiếm và ưu tiên các quảng cáo có trả tiền.

2.   Định nghĩa mới về thị trường/chợ (marketplace)

Định nghĩa thị trường/chợ trực tuyến (online marketplace) cũng đã được cập nhật để mang tính trung lập cao hơn về công nghệ. Theo Sắc lệnh, thị trường/chợ trực tuyến được định nghĩa là “một dịch vụ sử dụng phần mềm, bao gồm một trang web hoặc một ứng dụng” (Điều 3, đoạn 1(b); Điều 4, đoạn 1(e)). Ngoài ra, để đảm bảo tính minh bạch trên các thị trường/chợ trực tuyến, các nhà cung cấp dịch vụ thị trường/chợ trực tuyến có nghĩa vụ phải thông báo cho người tiêu dùng về việc bên thứ ba cung cấp hàng hoá. dịch vụ trên nền tảng của họ có phải là thương nhân (traders) hay không (non-traders, hay người tiêu dùng) theo thông tin do chính các bên thứ ba cung cấp/khai báo. người tiêu dùng cũng cần được thông báo rằng, trong trường hợp họ có giao dịch với bên thứ ba không phải là thương nhân, thì các quy định của EU về bảo vệ người tiêu dùng sẽ không được áp dụng.

3.   Nội dung số và Nhà cung cấp dịch vụ số

Định nghĩa của Sắc lệnh về nội dung số và nhà cung cấp dịch vụ số được điều chỉnh cho phù hợp với các quy định pháp lý có liên quan của EU. Theo đó, các nhà cung cấp nội dung số là “các nhà cung cấp liên tục trong một khoảng thời gian nhất định” (khác với định nghĩa cũ định nghĩa họ là “nhà cung cấp một lần”). Hệ quả của định nghĩa mới này là người tiêu dùng sẽ có một khoảng thời gian 14 ngày để sử dụng thử dịch vụ và có thể rút khỏi hợp đồng trực tuyến trong thời hạn đó (Điều 4, đoạn 11(b)). Sắc lệnh về các Quyền của người tiêu dùng cũng được mở rộng để có khả năng áp dụng với cả các hợp đồng theo đó người tiêu dùng không phải trả tiền, mà cung cấp dữ liệu cá nhân để đổi lại cho việc được sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp (Điều 4, đoạn 2).

4.   Mức giá được cá nhân hoá

người tiêu dùng phải được thông báo nếu mức giá áp dụng cho họ đã được cá nhân hoá trên cơ sở các thuật toán ra quyết định tự động và việc lập hồ sơ hành vi của người tiêu dùng (Điều 4, đoạn 4(a)(ii)). Điều này cũng nhằm để ngăn chặn hành vi tạo ảnh hưởng thái quá/sai lêch lên người tiêu dùng, hiện đang tràn lan trên môi trường mạng.

5.   Giảm giá

Để ngăn chặn hiện tượng giảm giá giả tạo bằng cách tăng giá trước khi tuyên bố giảm giá, các thông báo giảm giá sẽ phải nêu rõ mức giá trước đây của sản phẩm. Mức giá trước đây của sản phẩm là mức giá thấp nhất trong vòng 30 ngày trước khi có tuyên bố giảm giá (Điều 2, đoạn 1).

6.   Đánh giá của người tiêu dùng

Thương nhân không được giả mạo đánh giá của người tiêu dùng, hoặc trả tiền để có được các đánh giá hoặc công nhận giả mạo (Điều 3, đoạn 7(b)). Khi đưa ra các đánh giá của người tiêu dùng, thương nhân phải thông báo cho người tiêu dùng phương thức họ đã sử dụng để đảm bảo các đánh giá đó chính là của những người tiêu dùng đã từng mua hoặc sử dụng sản phẩm (Điều 3, khoản 4(c)).

7.   Mức hình phạt

Mức hình phạt đối với các vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các sắc lệnh trước đây đã được sửa đổi cho tương xứng với “bản chất, mức độ nghiêm trọng, phạm vi và thời gian xảy ra vi phạm” (Điều 1; Điều 2, đoạn 2; Điều 3, đoạn 6; Điều 4, đoạn 13). Hình phạt có thể bao gồm phạt tiền. Mức phạt tiền cao nhất có thể áp dụng đối với mỗi vi phạm phải tương đương ít nhất 4% tổng doanh thu hàng năm của thương nhân tại các nước thành viên (Điều 1; Điều 3, đoạn 6; Điều 4, đoạn 13).

8.   Bồi hoàn trong trường hợp các hành vi thương mại không công bằng

người tiêu dùng chịu thiệt hại bởi hành vi thương mại không công bằng, bao gồm cả các hành vi quảng cáo, chỉ dẫn và tiếp thị gây nhầm lẫn, có thể được bồi hoàn bằng tiền, được giảm giá, hoặc đổi trả sản phẩm (Điều 3, đoạn 5).

9.   Chất lượng hàng hoá

Theo Sắc lệnh, một hành vi tiếp thị các sản phẩm “giống nhau” trong khi thực tế “chúng có tính chất hay cấu tạo khác nhau” sẽ bị coi là hành vi quảng cáo, chỉ dẫn và tiếp thị gây nhầm lẫn.

Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng trong Liên minh Châu Âu được quy định theo Quy định Bảo vệ Dữ liệu Chung (GDPR) số 2016/679/EC. Theo đó, dữ liệu cá nhân là “bất kỳ thông tin nào liên quan đến một thể nhân (‘data subject’) đã được nhận định danh tính, hoặc có thể được nhận định danh tính, dù trực tiếp hay gián tiếp, cụ thể là bằng cách chỉ ra một định danh như tên, số định danh, dữ liệu vị trí, định danh trên mạng, hay một hoặc nhiều yếu tố chỉ định danh tính của một cá nhân mang tính vật lý, sinh lý, di truyền, tâm lý, kinh tế, văn hoá, hoặc xã hội” (Điều 4, GDPR).

GDPR thiết lập 7 nguyên tắc cần tuân thủ khi xử lý dữ liệu cá nhân:

  • Tính hợp pháp, công bằng và minh bạch: Việc xử lý dữ liệu phải hợp pháp, công bằng và minh bạch đối với chủ thể dữ liệu;
  • Giới hạn mục đích: Mục đích xử lý dữ liệu phải hợp pháp và được thể hiện rõ ràng cho chủ thể dữ liệu khi thu thập;
  • Giảm thiểu dữ liệu: Chỉ thu thập và xử lý dữ liệu khi thực sự cần thiết cho các mục đích đã định;
  • Độ chính xác: Phải bảo đảm dữ liệu cá nhân là chính xác và cập nhật;
  • Giới hạn lưu trữ: Chỉ lưu trữ dữ liệu nhận dạng cá nhân trong thời gian cần thiết cho mục đích đã định;
  • Tính toàn vẹn và bảo mật: Việc xử lý dữ liệu phải được thực hiện trên cơ sở đảm bảo tính bảo mật, tính toàn vẹn và bảo mật thích hợp (ví dụ: bằng cách sử dụng mã hóa);
  • Trách nhiệm giải trình: Người kiểm soát dữ liệu có trách nhiệm chứng minh sự tuân thủ GDPR với tất cả các nguyên tắc này.

GDPR cũng quy định “quyền được lãng quên” – cụ thể là quyền xóa dữ liệu cho những người muốn xóa dữ liệu cá nhân của họ khi không còn căn cứ để lưu giữ dữ liệu đó./.