Một số đặc điểm của thị trường bán lẻ tại Việt Nam

Đặc điểm của thị trường bán lẻ

Bán lẻ là hoạt động bán hàng hóa cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng. Cơ sở bán lẻ là địa điểm thực hiện hoạt động bán lẻ.

Thị trường bán lẻ tại Việt Nam có một số đặc điểm như sau:

Thứ nhất, sau khi hàng hóa được trao đổi, mua bán ở thị trường bán lẻ, hàng hóa sẽ không còn cơ hội quay trở lại thị trường, bởi hàng hóa được bán ra ở thị trường bán lẻ nhằm mục đích tiêu dùng nên sẽ được đưa đến tay người tiêu dùng cuối cùng trong chuỗi cung ứng bán lẻ mà không cần qua một bên trung gian nào khác. Đây cũng là đặc trưng cơ bản nhất của thị trường bán lẻ.


Hình minh họa: Mô hình chuỗi cung ứng bán lẻ

Thứ hai, thị trường hàng hóa bán lẻ là nơi cung cấp phong phú hàng hóa và dịch về số lượng, chủng loại và nhãn hiệu. Thị trường này nằm trong thị trường lưu thông hàng hóa nói chung, là nơi diễn ra trao đổi, mua bán phục vụ mục đích cuối cùng cho khách hàng nên đòi hỏi sự đa dạng về hàng hóa để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng lớn, giúp khách hàng có thể thoải mái lựa chọn tùy theo sở thích của mỗi người. Chính vì thế, việc ghi nhãn hàng hóa đầy đủ, theo đúng quy định của pháp luật đồng thời niêm yết công khai giá hàng hóa và cung cấp thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, công dụng và hạn sử dụng của hàng hóa, dịch vụ khi đưa vào lưu thông phải được cung cấp một cách chính xác nhất và cũng phải tuân thủ theo quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng để không gây ảnh hưởng xấu, đảm bảo tốt nhất lợi ích của người tiêu dùng.

Trong các nội dung pháp luật đó, có hai nội dung điển hình, chính là việc ghi nhãn hàng hóa và niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ: (Luật bảo vệ người tiêu dùng (số 59/2010/QH12), ngày 17/11/2010.)[1]

Về việc ghi nhãn hàng hóa: Trước khi đưa hàng hóa, dịch vụ đến tay người tiêu dùng, thông tin bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa bao gồm: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa. Ngoài ra, trên nhãn còn phải có “Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa”. Đặc biệt, người tiêu dùng quan tâm và chú trọng đến hạn sử dụng của từng loại sản phẩm, bởi mỗi hàng hóa khi đưa vào thị trường và để đưa đến tay người tiêu dùng cuối cùng thì đã trải qua một chuỗi các khâu trung gian và cần thời gian để lưu thông, vì vậy, các nhà bán lẻ phải cung cấp một cách chính xác nhất về thời hạn sử dụng cũng như cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ đó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính  mạng cũng như tài sản của người tiêu dùng hay không. Đồng thời, không được thực hiện các hành vi dối trá, không trung thực với khách hàng bằng cách dán đè nhãn hàng hóa, thay đổi thông tin về sản phẩm đó.

Về việc niêm yết giá hàng hóa: Thị trường bán lẻ có rất nhiều hình thức và có sự cạnh tranh mạnh mẽ. Việc tiến hành kinh doanh trong thị trường bán lẻ theo nhiều quy mô lớn nhỏ khác nhau, cách thức bán hàng cũng đa dạng và linh hoạt, đặc biệt là có sự cạnh tranh khốc liệt về giá. Giá hàng hóa, dịch vụ được coi là một yếu tố quan trọng trong giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Giá hàng hóa phản ánh giá trị mà người tiêu dùng phải trả để nhận được hàng hóa, dịch vụ. Về nguyên tắc, mọi thương nhân khi cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho NTD đều phải niêm yết giá. Thực tế, trong chuỗi cung ứng, các chủ thể là nhà bán lẻ có sự cạnh tranh nhau về giá cả để có thể đưa hàng hóa của mình đến tay người tiêu dùng. Ví dụ, cùng một loại sản phẩm được cung cấp bởi một nhà phân phối, khi được nhập về bởi nhiều nhà bán lẻ thì giữa các nhà bán lẻ này sẽ có sự khác nhau về giá, chính sách ưu đãi về giá dành cho người tiêu dùng để có thể tiêu thụ được nhiều nhất có thể hàng hóa và dịch vụ của mình. Vì thế, cạnh tranh trong thị trường bán lẻ ngày càng trở nên gay gắt giữa những người bán hàng, các cửa hàng, công ty và tập đoàn, khi hàng loạt các chính sách thậm chí là chiêu trò, mánh khóe đã được đưa ra để thu hút người tiêu dùng quan tâm đến hàng hóa và dịch vụ của mình.

Thứ ba, trong giao dịch có các hình thức giao dịch tuân thủ theo quy định của BLDS 2015 bao gồm:

  • Được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
  • Thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu được coi là giao dịch bằng văn bản.
  • Trong trường hợp pháp luật quy định giao dịch phải được thể hiện bằng văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.[2]

Đối với thị trường bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, điển hình là mô hình các chợ dân sinh hay các cửa hàng bán lẻ độc lập thuộc sở hữu của cá nhân hay hộ gia đình, việc xác lập giao dịch và cung cấp bằng chứng giao dịch là không bắt buộc, thường được thực hiện bằng lời nói hoặc bằng hành vi cụ thể mà không có bằng chứng giao dịch như văn bản, hóa đơn hoặc chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch đó giống như thị trường bán buôn và các thị trường phân phối lớn.Vì thế, trong một số trường hợp người tiêu dùng khó có thể khiếu nại hoặc khởi kiện khi có hành vi vi phạm xảy ra; đồng thời gây khó khăn trong việc cơ quan có thẩm quyền xác định hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng hay không; đặc biệt là trong các vụ việc về bảo hành đồ điện tử, các vấn đề về thực phẩm… Hành vi không cung cấp hóa đơn của người bán góp phần làm giảm tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trên thị trường đồng thời làm Nhà nước thất thu thuế.

Đặc điểm của một số hình thức bán lẻ phổ biến

Cửa hàng tiện lợi là một trong những hình thức bán lẻ, hiện nay trở thành xu hướng kinh doanh không chỉ thu hút các nhà đầu tư trong nước mà những năm gần đây mà còn trở thành sân chơi rộng lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Hình thức kinh doanh của các mô hình tiện lợi này là mua từ buôn bán rồi bán lại cho khách lẻ để kiếm lời. Mặc dù lợi nhuận là không quá cao nhưng nó lại tạo ra một thói quen mua sắm mới tiện lợi hơn cho người tiêu dùng. Tiện lợi về khoảng cách địa lý, về đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho người tiêu dùng,…

Những đặc điểm nổi bật của một cửa hàng tiện lợi có thể kể đến như: Kinh doanh những mặt hàng ăn nhanh với giá cả phải chăng. Điều này rất phù hợp với những người tiêu dùng trẻ tuổi. Các dịch vụ được cộng thêm vào ở cửa hàng tiện lợi như: mua thực phẩm, nước giải khát, hỗ trợ khách hàng trong việc thanh toán các chi phí sinh hoạt như thanh toán điện, nước, Internet,… đem lại sự tiện lợi tuyệt vời.

Mô hình kinh doanh bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi với những đặc điểm nổi trội như sau:

Thứ nhất, đó là có sự nâng cấp phù hợp. Việc kinh doanh cửa hàng tiện lợi không cần phải có một nguồn vốn lớn, hay diện tích phải rộng như kinh doanh siêu thị BigC, Metro,… chỉ cần chủ cửa hàng có một nguồn vốn nhỏ cùng với bản chi tiêu hợp lý là có thể phát triển một cửa hàng tiện lợi. Một cửa hàng tiện lợi với diện tích như thế này vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ, đa dạng các loại sản phẩm cho đa số người dân, phục vụ tốt nhất cho khách hàng của họ. Về diện tích, với một mặt bằng từ 50m2 trở lên vừa dễ dàng để thuê ở nhiều nơi vừa tăng độ nhận diện cho cửa hàng. Biển hiệu, logo quảng cáo, đồng phục cho nhân viên, cách bày trí hay tông màu chủ đạo đều là những yếu tố làm tăng độ nhận diện rõ ràng cho các cửa hàng tiện lợi. Đều là tốn một khoản chi phí nhưng kinh doanh kiểu này sẽ đem lại dấu ấn riêng biệt hay có thể giúp chủ cửa hàng mở thêm chuỗi.

Thứ hai, có điểm bán không ngừng nhân rộng. Ưu tiên diện tích và vị trí địa lý được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu. Có thể trong cùng một con phố cách 500m là tìm được một cửa hàng tiện lợi. Độ phủ rộng của những cửa hàng tiện lợi thế này sẽ dễ dàng chiếm được niềm tin của khách hàng bằng. Những vị trí được mở gần với những nơi tập trung đông đúc dân cư như trường học, gần chợ,… thường rất dễ nhân rộng.

Thứ ba, hoạt động 24/24: Một ưu thế lớn mà các cửa hàng tiện lợi đang có là việc phục vụ khách hàng 24/24 giờ hàng ngày. Đây được xem là điểm cộng có thể đáp ứng được những nhu cầu của người tiêu dùng ở mọi lúc.

Cơ sở vật chất: Tại các cửa hàng tiện lợi, khách hàng có thể dễ dàng tìm được những sản phẩm họ cần và đáp ứng trực tiếp nhu cầu của họ ngay tại thời điểm đó. Giống như việc ăn mì tôm. Thay vì phải mua một gói mì từ siêu thị về nhà nấu, sau đó rửa bát đĩa thì chỉ cần đến cửa hàng tiện lợi, người tiêu dùng chỉ việc chế nước sôi vào cốc mì và thưởng thức, ăn xong cho đồ thừa vào thùng rác là xong.

Phần mềm quản lý bán hàng: Một điểm cộng khác cho mô hình kinh doanh kiểu này là tốc độ nhanh nhẹn của các nhân viên. Cách làm việc gọn gàng cộng với phần mềm quản lý bán hàng nhanh chóng đóng một vai trò quan trọng, công đoạn quét mã vạch sản phẩm, nhận tiền thanh toán hay in hóa đơn đều được thực hiện dễ dàng. Như vậy, đảm bảo 100% khách hàng sẽ nhận được bằng chứng giao dịch, hóa đơn để đối chiếu khi mua hàng.

Siêu thị là một dạng của cửa hàng bán lẻ hàng hóa: hoạt động kinh doanh của siêu thị được tổ chức dưới hình thức cửa hàng có trang thiết bị và cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại. Siêu thị thực hiện chức năng bán lẻ trực tiếp hàng hóa cho người tiêu dùng cuối cùng để họ sử dụng chứ không phải để bán lại. Tuy nhiên, hiện nay một số chủ cửa hàng tạp hóa cũng có thể tìm đến siêu thị và yêu cầu mua hàng theo giá bán buôn. Nhưng điều kiện là số lượng hàng hóa phải đủ lớn. Nên về cơ bản, phương thức kinh doanh chủ yếu của siêu thị vẫn là bán lẻ. Trong hệ thống các cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam hiện nay; siêu thị được đánh giá là có quy mô lớn hơn cửa hàng tạp hóa hay siêu thị mini. Nhưng nhỏ hơn so với đại siêu thị và trung tâm thương mại. Mô hình kinh doanh bán lẻ qua hệ thống siêu thị có một số đặc điểm tiêu biểu như sau:

Thứ nhất, phương thức bán hàng: tự phục vụ là phương thức bán hàng mà siêu thị áp dụng. Khách hàng có quyền tự do đi lại trong cửa hàng, tự do tiếp xúc, xem xét, ngắm nghía, so sánh, chọn lựa sau đó tự đưa hàng đã chọn đến quầy thu ngân để thanh toán, đồng thời sẽ được cung cấp hóa đơn để đối chiếu với sản phẩm mình đã mua. Đó chính là tính tự phục vụ hoàn toàn. Điều này tạo ra tính kinh tế cho hoạt động siêu thị vì nó có mức giá thấp hơn và hấp dẫn, khêu gợi, kích thích nhu cầu mua sắm của khách hàng.

Thứ hai, về hàng hóa bán tại siêu thị: siêu thị thường có danh mục hàng bày bán rất đa dạng, phong phú bao gồm cả hàng thực phẩm và phi thực phẩm. Hàng hóa ở siêu thị thường là các đơn vị sản phẩm lẻ, hoàn chỉnh, phục vụ trực tiếp cho tiêu dùng cá nhân được bày bán trên kệ theo từng loại và niêm yết giá công khai, dễ dàng để khách hàng dễ quan sát, chọn lựa và toàn quyền quyết định mua sản phẩm họ ưng ý nhất.

Thứ ba, siêu thị thể hiện sự sáng tạo trong nghệ thuật trưng bày hàng hóa: ngoài việc tạo ra phương thức bán hàng tự phục vụ, siêu thị còn thể hiện được nghệ thuật trưng bày hàng hóa nhằm tối đa hiệu quả không gian bán hàng. Điều này cũng có nghĩa hàng hóa trong siêu thị phải có khả năng tự quảng cáo và lôi cuốn người mua.

Thứ tư, về cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ bán hàng: cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật cấu thành một siêu thị như nhà cửa, kho hàng, thiết bị vật dụng cần thiết…tương đối hiện đại nhằm đảm bảo sự tiện nghi phục vụ tốt, tạo thoải mái cho khách hàng khi đi mua sắm. Điều này giúp tăng khả năng cạnh tranh với các siêu thị khác và với loai hình bán lẻ khác.

Thứ năm, doanh số hàng hóa bán ra: do phải đầu tư nhiều vào các thiết bị và chi phí khấu hao tài sản cố định cao nên siêu thị đòi hỏi mức doanh số cao hơn rất nhiều so với các cửa hàng thông thường, mặt khác giá bán cũng phải khống chế ở mức có khả năng hấp dẫn khách hàng, vì vậy siêu thị phải được hoạch định ở tầm hoạt động rộng lớn.

Thứ sáu, về quy mô của siêu thị tương đối lớn: siêu thị có quy mô tương đối lớn vì hình thức kinh doanh này lấy quan điểm khách hàng tự phục vụ và chi phí thấp, lợi nhuận thấp làm cơ sở hoạt động. Do đó để đảm bảo tính kinh tế đòi hỏi siêu thị phải có quy mô hợp lý mới có thể tiêu thụ được khối lượng hàng hóa lớn đủ để bù đắp chi phí kinh doanh và có lãi./.


[1] Luật bảo vệ người tiêu dùng (số 59/2010/QH12), ngày 17/11/2010.

[2] (Bộ luật dân sự (số 91/2015/QH13) ngày 24/11/2015).