Nhu cầu “xanh hóa” trong thương mại điện tử

Theo báo cáo của Cục thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Tuy thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhưng đã và đang bộc lộ nhiều yếu tố chưa bền vững, đặc biệt là tác động xấu tới môi trường. Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam 2023 chỉ ra, lĩnh vực bán lẻ trực tuyến có hai khâu chính tác động xấu tới môi trường, bao gồm khâu giao hàng liên quan đến khí thải carbon của phương tiện và khâu đóng gói hàng hóa có sử dụng hộp carton, bao bì nilon, màng xốp hơi, hộp xốp, đồ nhựa dùng 1 lần…

Ngoài ra, với những đơn hàng dễ vỡ, để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, các nhà bán trên sàn đã yêu cầu đơn vị vận chuyển đóng gói nhiều lớp. Việc này làm tăng lượng rác thải lớn ra môi trường. Do tỉ lệ hàng móp méo nhiều nên các nhà bán hàng thay vì sử dụng bìa carton 3 lớp phải dùng bìa 5 lớp; không chỉ dùng giấy vụn để lót mà phải thêm bìa xốp chống sốc, thậm chí thay vì dán 2 đường băng keo phải dán kín hộp, kín các góc cạnh.

Tình trạng móp méo hàng hóa là nguyên nhân khiến nhà bán hàng phải đóng gói kĩ lưỡng hơn, thì tiêu chuẩn về đóng gói tại Việt Nam còn kém cũng là nguyên nhân dẫn đến lượng rác thải nhiều hơn. Trong khi, ở một số quốc gia phát triển, có quy định về kích cỡ hộp đóng gói, các nhà bán, đơn vị vận chuyển chỉ cần mua và dóng gói các sản phẩm phù hợp thì ở Việt Nam, mỗi loại hàng đóng gói một kiểu.

Thương mại điện tử trước yêu cầu xanh hóa khi thế giới cũng như ở Việt Nam tăng trưởng nhanh đang đặt ra những thách thức lớn đối với môi trường.

Bài viết này cũng chia sẻ kinh nghiệm, thực hành kinh doanh tốt của một số đơn vị vận chuyển, logistics góp phần xanh hóa trong thương mại điện tử.

  • Kinh nghiệm xác định kích thước bao bì tự động để tiết giảm rác thải của Lazada Logistics Việt Nam

Chia sẻ kinh nghiệm giảm rác thải trong khâu đóng gói, ông Vũ Quốc Thịnh – Tổng Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam cho biết, hành trình đơn hàng từ nhà sản xuất đến người bán hàng đi qua từ 20 – 30 bước. Hàng hóa hiện nay đa dạng nhưng quy chuẩn đóng gói không nhiều. Do vậy, Lazada đã sử dụng hệ thống xác định kích thước bao bì tự động để tiết giảm rác thải. Sử dụng bao bì có chứng nhận FSC hay tái sử dụng thùng carton làm vật liệu chèn lót.

  • Kinh nghiệm sử dụng xe máy điện trong giao nhận hàng hóa, sử dụng túi giấy, túi vải, chai lọ thủy tinh, giảm thiểu in ấn, sử dụng giấy của Vietnam Post

Vietnam Post là doanh nghiệp bưu chính đầu tiên tại Việt Nam sử dụng xe máy điện trong giao nhận hàng hóa. Đơn vị hiện có 100 chiếc container trên 2 tàu container nhanh Hà Nội – Bình Dương (2021), lưu thoát khoảng 300 tấn hàng. Việc xanh hóa hoạt động vận tải giúp Vietnam Post giảm lượng khí thải CO2 khoảng 8,8 lần.Với hoạt động đóng gói, Vietnam Post ưu tiên sử dụng túi giấy, túi vải, chai lọ bình thủy tinh tại hơn 13.000 điểm phục vụ, số hóa tài liệu, quy trình để giảm thiểu in ấn, sử dụng giấy.

Hiện nhiều doanh nghiệp như Lazada, Grab, Vietnam Post hay một số tổ chức xã hội nghề nghiệp đã quan tâm đến xu hướng xanh và có những hành động cụ thể. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp vận chuyển nhỏ lẻ thì việc giảm thiểu phát thải từ hoạt động đóng gói, vận chuyển vẫn là một vấn đề lớn. Hơn hết, trong các chiến lược về phát triển thương mại điện tử hay cả những quy định liên quan về pháp luật thương mại điện tử của Việt Nam chưa chú trọng nhiều đến điều khoản doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, doanh nghiệp thương mại điện tử phải tuân thủ các yêu cầu về môi trường. Để xanh hóa thương mại điện tử nhanh chóng và hiệu quả hơn, cần sớm nhanh chóng nghiên cứu, đưa các quy định bắt buộc về “xanh hóa”, “bảo vệ môi trường” trong pháp luật về thương mại điện tử, bưu chính, đồng thời, thúc đẩy doanh nghiệp thương mại điện tử, đơn vị vận chuyển, logistics cho thương mại điện tử thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường./.