Thực trạng cung cấp thông tin không chính xác qua hoạt động quảng cáo, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử

Cung cấp thông tin không chính xác qua hoạt động quảng cáo, lừa dối gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng là một trong các hành vi thường xảy ra trong thương mại truyền thống, đồng thời, cũng xuất hiện khá phổ biến trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Đặc biệt, trong thời gian qua, lợi dụng bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh đã quảng cáo và đăng bán trực tuyến các sản phẩm, thiết bị y tế có liên quan đến việc phòng ngừa, ngăn chặn, hỗ trợ điều trị covid nhưng cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Trong thời gian qua, qua công tác rà soát, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã ban hành nhiều cảnh báo, khuyến cáo người tiêu dùng tìm hiểu kỹ thông tin và cân nhắc trước khi quyết định mua các sản phẩm như máy điều hòa không khí sử dụng Công nghệ Nanoe™ X của Công ty TNHH Panasonic Việt Nam; sản phẩm sử dụng công nghệ ScentAir ION của Công ty Cổ phần Appliancz Việt Nam; sản phẩm sử dụng công nghệ Airocide của Công ty Cổ phần Công nghệ và Thiết bị Việt Mỹ; máy lọc không khí Blueair Health Protect của Công ty TNHH ASH Việt Nam; quạt khử trùng Philips Disinfection Air Cleaner của Công ty TNHH Tích hợp công nghệ In Situ; máy phun khử trùng, diệt khuẩn Covid Nano của Công ty TNHH Điện tử Thái Thắng bởi nội dung thông tin liên quan đến công dụng ngăn ngừa hoặc diệt virus Covid-19 của các doanh nghiệp này chủ yếu căn cứ vào các kết quả kiểm nghiệm thực hiện trong điều kiện giới hạn của phòng thí nghiệm (chất liệu, diện tích, thể tích, độ ẩm không khí, nhiệt độ không khí bị kiểm soát và một số điều kiện đặc biệt khác), chưa được kiểm nghiệm trong điều kiện sống thực tế.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, đối với các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, việc quảng cáo bao gồm cả quảng cáo trên môi trường mạng cũng thường xảy ra vi phạm chủ yếu liên quan đến hành vi quảng cáo sai sự thật, quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các cơ sở y tế, bác sĩ; quảng cáo thực phẩm kèm theo ý kiến phản hồi của người tiêu dùng có tác dụng điều trị bệnh hoặc có tác dụng như thuốc chữa bệnh; giả danh các đài truyền hình, sử dụng hình ảnh người của công chúng, nhà khoa học đã nghỉ hưu để quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh[1].


[1] Nguồn: Báo điện tử Quân đội nhân dân, Bài viết Không để quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe “nhờn luật”, ngày 16 tháng 03 năm 2022.

Ảnh minh họa: Quảng cáo sản phẩm dạ dày Mộc Vị Khang tại địa chỉ: https://sieuthisongkhoe.com/san-pham/moc-vi-khang-thang-long gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về công dụng sản phẩm