Thực trạng xây dựng và triển khai Bộ quy tắc ứng xử với người tiêu dùng trong lĩnh vực bán hàng đa cấp tại Việt Nam

    Theo quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý bán hàng đa cấp, doanh nghiệp BHĐC và nhà phân phối BHĐC không được thực hiện hành vi cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của doanh nghiệp thông qua báo cáo viên, đào tạo viên tại hội nghị, hội thảo, đào tạo hoặc thông qua tài liệu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu chỉ với quy định nêu trên là chưa đủ để đảm bảo các quyền lợi của người tiêu dùng khi mua hàng theo phương thức bán hàng đa cấp.

    Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 48/QD-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2020 về phê duyệt Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng giai đoạn 2021 – 2025. Một trong những mục tiêu cụ thể của Đề án là “phát triền thêm các Bộ tiêu chí chi tiết dành cho 05 ngành, lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ đặc thù”.

     Do vậy, để khuyến khích doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm đối với người tiêu dùng; xây dựng thương hiệu, niềm tin, sự hài lòng của người tiêu dùng đối với doanh nghiệp, Đề án “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng” đã lựa chọn lĩnh vực bán hàng trực tiếp (bao gồm BHĐC) là lĩnh vực trọng tâm nhằm xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”. Bộ tiêu chí là công cụ giúp doanh nghiệp bán hàng trực tiếp tự đánh giá công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại doanh nghiệp. Dựa trên bộ tiêu chí, doanh nghiệp còn phát hiện các vấn đề tồn đọng trong hoạt động kinh doanh, đưa ra các giải pháp khắc phục nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người tiêu dùng khi lựa chọn, sử dụng hàng hóa của doanh nghiệp.

    Các tiêu chí không chỉ được xây dựng dựa trên pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn chọn lọc theo các đặc thù của bán hàng trực tiếp, nhằm đảm bảo tính chuẩn mực trong quy tắc ứng xử với người tiêu dùng.

    Khi tham gia vào chương trình, doanh nghiệp BHĐC có thể đo lường được niềm tin của người tiêu dùng đối với doanh nghiệp. Điều đáng lưu ý, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ thực hiện khảo sát, đánh giá hiện trạng đáp ứng các tiêu chí doanh nghiệp vì người tiêu dùng tại doanh nghiệp, được tư vấn những điểm cụ thể trong chính sách, chiến lược mà doanh nghiệp cần hoàn thiện nhằm đạt được mức đánh giá cao hơn theo Bộ tiêu chí.

    Tại thời điểm hiện nay, Công ty TNHH Amway Việt Nam là một trong những doanh nghiệp BHĐC có hoạt động tích cực trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Song song với quy tắc hoạt động áp dụng đối với nhà phân phối, Amway Việt Nam xây dựng quy tắc riêng với người tiêu dùng. Trong đó, Amway Việt Nam chú trọng tới hoạt động bảo hành, bảo dưỡng với người tiêu dùng như sau:

  • Khách hàng được phép đổi lại hàng hóa đã mua trong vòng 45 ngày kể từ ngày người mua nhận hàng nếu hàng hóa bị lỗi do sản xuất kèm theo hóa đơn mua hàng tương ứng. Trong trường hợp khách hàng muốn đổi sang loại hàng hóa khác thì Amway sẽ mua lại theo Nguyên tắc Mua lại hàng hóa.
  • Đối với sản phẩm có Phiếu bảo hành khi mua hàng và các thiết bị điện tử do Amway Việt Nam cung cấp, Amway Việt Nam áp dụng chế độ Bảo hành đối với các sản phẩm lỗi từ nhà sản xuất, còn đầy đủ phụ kiện, còn trong thời hạn bảo hành. Tất cả các chính sách đổi hàng hóa, mua lại hàng hóa và chính sách bảo hành đều được công bố công khai tại các cơ sở của Amway và trên Trang thông tin điện tử chính thức của Amway Việt Nam.

    Ngoài ra, với đặc thù của ngành bán hàng trực tiếp, Amway Việt Nam luôn chú trọng đào tạo Nhà phân phối, từ đó nâng cao hiệu quả cung cấp thông tin liên quan đến hàng hóa tới người tiêu dùng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng.

    Đề án khuyến khích các doanh nghiệp BHĐC tại Việt Nam chủ động tham gia chương trình, từ đó xây dựng niềm tin, sự hài lòng của người tiêu dùng đối với doanh nghiệp BHĐC, giúp ngành BHĐC phát triển nhanh và bền vững hơn.